Quản trị

Có nên xây dựng văn hóa công ty như một gia đình?

Cặp đôi ứng viên thứ hai xuất hiện trong tập 3 Cơ hội cho ai là Lưu Cẩm Văn và Võ Nguyễn Ngọc Thủy.

Lưu Cẩm Văn - 33 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Du lịch Nhà hàng và Khách sạn tại Đại học Văn Hiến. Anh có hơn 9 năm kinh nghiệm làm việc đa vị trí, đa cấp bậc tại tập đoàn khách sạn 5 sao, là đại sứ công ty và quản lý nhân sự kiêm trải nghiệm khách hàng.

Lưu Cẩm Văn từng là nhân viên tiêu biểu năm 2015 và 2016 (vinh danh từ tập đoàn tại Macau - Trung Quốc). Bên cạnh đó, nam ứng viên còn thông thạo các ngoại ngữ như tiếng Anh, Trung, Philippines, Hàn, Nhật.

Có nên xây dựng văn hóa công ty như một gia đình? - Ảnh 1.

2 ứng viên Lưu Cẩm Văn và Võ Nguyễn Ngọc Thủy

Đối thủ của Cẩm Văn là Võ Nguyễn Ngọc Thủy - 36 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh thương mại, trường Đại Học Tài Chính – Marketing.

Cô có hơn 8 năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng doanh nghiệp tại công ty Nhật, hơn 4 năm ở vị trí chuyên viên hành chính, là cầu nối giữa chi nhánh và văn phòng chính, chịu trách nhiệm làm việc với các cơ quan liên quan. Ngoài ra, nữ ứng viên còn có hơn 6 năm đồng hành cùng nhóm thiện nguyện, chuyên đến với trẻ em và bà con vùng sâu, vùng xa.

Trước khi đến với phần giới thiệu bản thân, Cẩm Văn đã mang đến chương trình món chè đu đủ tiềm yến do chính tay anh nấu để mời các Sếp và MC Thành Trung.

Thời xa xưa chỉ có hoàng thượng, hoàng hậu và các cung tần quý phi được ăn món chè này để bổ phế, trị ho, thanh nhiệt, giải độc, dưỡng nhan. Những chiếc bát và thìa này là do bà em để lại, có tuổi đời đã gần 1 thế kỷ”, Nam ứng viên giới thiệu.

VÒNG 1 – ĐỐI MẶT

Ở vòng Đối mặt, câu hỏi phản biện được đặt ra cho 2 ứng viên là: “Bạn có ủng hộ văn hóa xem công ty như một gia đình?”.

Ngọc Thủy cho rằng: điều này sẽ giúp cho việc gắn kết tập thể, tạo nên sức mạnh để đưa công ty ngày càng phát triển; nên cô hoàn toàn ủng hộ quan điểm xem ‘công ty như một gia đình’.

Trái ngược với đối thủ, Cẩm Văn không ủng hộ văn hóa gia đình trong doanh nghiệp. Anh khẳng định: tùy theo từng quy mô mà mỗi công ty có một văn hóa khác nhau. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp, anh đề cao tinh thần đồng đội, chính sách đào tạo để phát triển nhân viên của các doanh nghiệp. Mặt trái của văn hóa gia đình sẽ mang đến tâm lý làm việc ỷ lại cho nhân viên.

Có nên xây dựng văn hóa công ty như một gia đình? - Ảnh 2.

Sếp Tiến cũng không ủng hộ quan điểm 'công ty như gia đình'.

Đồng quan điểm với Cẩm Văn, Sếp Tiến bổ sung: “Công ty như một gia đình nghe rất là dễ thương. Thỉnh thoảng các sếp sẽ dùng bài đấy để nói chuyện với nhân viên. Nhưng đấy là gia đình cho những đứa con ngoan thôi. Gia đình như một bàn tay, có ngón dài ngón ngắn. Nếu như chẳng may có đứa phạm lỗi, thì trong một gia đình chúng ta vẫn phải bảo vệ, vẫn phải nuôi nó, không thể đuổi ra khỏi nhà.

Thế nhưng, công ty phải như một đội bóng, từ trên xuống dưới phải phấn đấu hết mình mỗi trận đấu để giữ được vị trí của mình. Ronaldo có đá hay bao nhiêu mà 3 trận không ghi bàn xuống làm dự bị. Vì vậy, công ty phải như đội bóng, không thể như gia đình”.

Sếp Quyền đặt câu hỏi cho Cẩm Văn: “Em đã làm ở những khách sạn 5 sao, 6 sao. Vậy em nghĩ có thể đưa chất lượng dịch vụ như thế vào những công ty lĩnh vực khác, cụ thể là Bất động sản hay không?”.

Cẩm Văn cho hay: “Việc chuyển ngành với em không có khó khăn. Tùy vào quy mô doanh nghiệp và đối tượng khách hàng, nếu tệp khách hàng mà Thắng Lợi muốn hướng đến là giàu và siêu giàu, thì em sẽ có các kế hoạch thích hợp cho từng đối tượng, kể cả khách quốc tế”.

Kết thúc vòng Đối mặt, Cẩm Văn giành chiến thắng áp đảo trước Ngọc Thủy với điểm số 4/5 và hoàn toàn đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng thi thứ 2 – Vòng chinh phục.

VÒNG 2 – CHINH PHỤC

Ở vòng Chinh phục, Cẩm Văn nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc “vali bí mật” mà ban tổ chức cung cấp. Sau đó, 5 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế của ứng viên.

Có nên xây dựng văn hóa công ty như một gia đình? - Ảnh 3.

Ứng viên Lưu Cẩm Văn

Sếp Dũng đặt câu hỏi tìm hiểu ứng viên: “Dh Foods có 150 sản phẩm gia vị xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan. Mình có những sản phẩm đủ chất lượng để cung cấp cho các Nhà hàng – Khách sạn 5 sao tại Việt Nam. Bạn có đảm đương được mảng HORECA (Khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ẩm thực/cà phê) không?”.

Em có kinh nghiệm 1 năm đứng bếp ở một nhà hàng nổi tiếng có hơn 80 năm tuổi đời ở quận 5 (TP.HCM). Em khá rành về gia vị và em có tìm hiểu về Sếp Dũng trước khi đến đây. Em có thể làm được!

Không những là khách sạn 5 sao ở Việt Nam, mà còn ở quốc tế, đặc biệt là các nước Đông Nam Á có nói tiếng Trung, thị trường của họ rất lớn và em tự tin là mình rất hiểu văn hóa của các quốc gia nói tiếng Trung”, Cẩm Văn tự tin trả lời.

Sếp Tiến tiếp lời: “Em nghĩ sao nếu em làm việc ở TP.HCM nhưng một tháng có khoảng 25 ngày thường xuyên bay đi Thượng Hải, Singapore, Kuala Lumpua để làm việc với những công ty thuộc Top 100 Doanh nghiệp châu Á?”.

Nam ứng viên quả quyết: “Nếu bản thân em mang lại được giá trị cho công ty, bản thân em được tỏa sáng thì em sẽ nhận việc này. Và em cam kết là sẽ làm tốt!”.

Kết thúc vòng Chinh phục, Cẩm Văn nhận được 4 đèn xanh đến từ Sếp Quyền, Sếp Tiến, Sếp Dũng và Sếp Nga, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng - Cơ hội cho ai.

VÒNG 3 – CƠ HỘI CHO AI

Mức lương kỳ vọng của Cẩm Văn là 36.800.000 đồng.

Đầu tiên, anh nhận được lời mời làm việc tại Tập đoàn Thắng Lợi Group cho vị trị Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng với mức lương 38.686.868 đồng, cùng lộ trình được Sếp Quyền vạch ra như sau: “Em sẽ cùng tôi và đội nhóm của tôi xây dựng hành trình trải nghiệm cho khách hàng một cách tốt nhất”.

Tiếp theo, Sếp Nga đề nghị mức lương 40 triệu đồng cho Cẩm Văn với vị trí Trưởng phòng Trải nghiệm Khách hàng tại Elise, cùng nhiệm vụ “nâng cấp trải nghiệm khách hàng của Elise lên đẳng cấp 5 sao”.

Phần Sếp Dũng, ông chiêu mộ nam ứng viên cho vị trí Trưởng phòng Kinh doanh kênh HORECA tại Dh Foods với mức lương 40 triệu đồng. “Đây chắc chắn là lương cơ bản. Nếu em làm tốt thì sẽ có chia cổ phiếu và không phải ít”, Sếp Dh Foods cho hay.

Sếp Tiến là người “chốt sổ” với mức offer cao nhất trong số 5 Sếp – 50.006.789 đồng cho vị trí Giám đốc Kinh doanh Thị trường Quốc tế tại Tập đoàn FPT. “Em sẽ làm việc ở Hà Nội. Em phải trải qua 2 tháng để học về Công nghệ. Đến khi làm việc chính thức thì 80% là em làm việc ở nước ngoài”, Sếp FPT nêu cụ thể.

Có nên xây dựng văn hóa công ty như một gia đình? - Ảnh 4.

Sếp Dũng là người chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua chiêu mộ Cẩm Văn.

Cuối cùng, Cẩm Văn đã lựa chọn Sếp Dũng và Sếp Quyền để đặt câu hỏi tìm hiểu sâu hơn: “Giả sử em đi công tác thì công ty sẽ hỗ trợ gì và những phúc lợi khác sẽ nằm trong lương hay nằm ở khoản phụ phí trợ cấp?”.

Chúng tôi có 18 chính sách phúc lợi. Thường thì ở những vị trí như em, thu nhập hàng năm sẽ rơi vào khoảng từ 15 đến 18 tháng lương. Công việc của em là chăm sóc những khách hàng ‘super VIP’, những người có tiền nhàn rỗi cực lớn. Đấy cũng là nơi có thể mang lại cho em nguồn thu nhập đột biến”, Sếp Quyền tung thính.

Sếp Dũng cũng tranh thủ mời chào: “Tất cả chi phí công tác thì công ty sẽ trả. Anh nghĩ em phù hợp với Dh Foods. Công ty anh hiện nay là nhỏ nhất so với doanh nghiệp các Sếp ở đây. Nhưng bọn anh có tham vọng đưa gia vị Việt ra Thế giới.

Bọn anh đã đưa gia vị sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và sắp tới là sang Mỹ và Úc. Lương hay thưởng tăng lên bao nhiêu là tùy vào bọn em vì chính bọn em là người đóng góp cho công ty”.

Sau đó, Cẩm Văn đã lựa chọn sử dụng Quyền thương lượng. Anh không đặt vấn đề về mức lương, đãi ngộ mà xoáy sâu vào mục tiêu công việc mà mình mong muốn. Nam ứng viên muốn nếu đầu quân về Dh Foods và sẽ được phụ trách thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước nói tiếng Trung trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia.

Kết quả chung cuộc, Cẩm Văn đã quyết định về với Dh Foods cho vị trí Trưởng phòng Kinh doanh kênh HORECA, cùng mức lương 40 triệu đồng.

6 Sếp tham gia Cơ hội cho ai 2022

Sếp Nguyễn Thanh Quyền – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi Group

Sếp Lê Đức Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA)

Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise

Sếp Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Tập đoàn ASIM 

Sếp Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom

Sếp Nguyễn Trung Dũng - Chủ Tịch HĐQT & Tổng Giám Đốc Công Ty CP Dh Foods

Cùng chuyên mục

Đọc thêm