Hình ảnh đồ họa hổ Tasmania, loài thú có túi giống chó sói đã bị tuyệt chủng gần một thế kỷ - Ảnh: GETTY
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), gần 2/3 số động vật hoang dã trên thế giới bị mất đi trong 50 năm qua. Hàng chục nghìn loài cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Tác động của biến đổi khí hậu, tác động của con người cùng nhiều yếu tố khác là nguyên nhân khiến các loài thú bị tuyệt chủng.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ chỉnh sửa gene tối tân, các nhà khoa học ngày càng tiến gần đến sự thành công trong việc hồi sinh các loài thú đã tuyệt chủng.
Giữa tháng 8, những người yêu khoa học nói chung và yêu động vật nói riêng phấn khích trước thông tin nhóm các nhà khoa học Úc công bố triển khai dự án hồi sinh hổ Tasmania, loài thú có túi giống chó sói đã bị tuyệt chủng gần một thế kỷ.
Mục tiêu cuối cùng của nhóm nhà khoa học là đưa sinh vật này trở lại vùng hoang dã của Úc, nơi nó sống như một kẻ săn mồi đỉnh cao trước khi bị săn bắn đến mức tuyệt chủng vào đầu thế kỷ 20.
Để đạt được điều này, các nhà khoa học dự định ghép vật liệu di truyền từ những con hổ Tasmania già với DNA của họ hàng gần nhất còn sống là con dunnart để tạo ra một loài động vật mới gần giống với tổ tiên đã chết từ lâu của nó.
Trước đó, các nhà khoa học cũng công bố dự án hồi sinh voi ma mút. Đây là một tham vọng táo bạo và đầy rẫy khó khăn, vì voi ma mút đã tuyệt chủng từ cách đây 4.000 năm, có nghĩa là còn rất ít vật liệu di truyền để nghiên cứu hồi sinh chúng.
Ngoài ra, còn rất nhiều dự án, kế hoạch hồi sinh động vật khác từ nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học khắp thế giới, với hy vọng qua phương pháp chỉnh sửa gene và nhân bản sẽ làm sống lại những loài thú đã biến mất đồng thời bảo vệ những loài đang có nguy cơ.
Hồi sinh động vật đã tuyệt chủng là điều nên hay không nên?
Đây là một câu hỏi được thảo luận trong nhiều năm qua, đặc biệt khi các nhà khoa học Úc công bố kế hoạch hồi sinh hổ Tasmania. Không chỉ người yêu khoa học mà ngay cả chính những người làm công tác nghiên cứu khoa học cũng tỏ ra nghi ngờ về tính quan trọng của những kế hoạch hồi sinh động vật thời tiền sử.
Những người ủng hộ phong trào "chống tuyệt chủng" cho biết ngoài sự kỳ diệu là "hồi sinh", tiến bộ khoa học còn cho chúng ta cơ hội sửa chữa một số sai lầm đã phạm phải trong quá khứ bằng cách hồi sinh các loài bị con người săn bắt đến cạn kiệt. Một khi được hồi sinh, những sinh vật này sẽ giúp thiết lập lại trạng thái cân bằng trong hệ sinh thái của chúng.
Việc này cũng có thể mang lại những lợi ích cho con người. Ví dụ, khi voi ma mút trở lại, chúng có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu bằng cách làm chậm sự xói mòn của lớp băng vĩnh cửu ở các vùng tuyết. Các dự án đầy tham vọng chống tuyệt chủng cũng sẽ mở ra những đột phá trong khoa học di truyền và có thể được sử dụng để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai.
Mô hình voi ma mút lông xoăn được trưng bày tại Pháp - Ảnh: CNN
Những người không đồng tình các dự án hồi sinh động vật thì cho rằng điều quan trọng nhất để thực hiện các kế hoạch này là tiền và thời gian. Một dự án hồi sinh bất kỳ loài thú nào, cho dù to hay nhỏ, cũng có thể tốn tới hàng tỉ USD với hàng chục năm nghiên cứu. Quan trọng là chẳng ai có thể khẳng định được dự án đó thành công hay không.
Thay vì dành một khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu hồi sinh, nỗ lực chống tuyệt chủng sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu tiền bạc, công sức và thời gian của các nhà khoa học sử dụng để bảo tồn những loài đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Nói một cách dễ hiểu thì nên tiêu tiền cho động vật sống hơn là động vật đã chết.
Ngoài vấn đề thời gian và tiền bạc, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng dù được hồi sinh thành công thì những con thú này "không hoàn toàn giống" như đúng chủng loài đã tồn tại, mà là một phiên bản khác với các đặc điểm sinh học vốn có.
Việc đưa động vật trở lại một thế giới rất khác so với môi trường trước đó liệu có thích hợp với chúng? Sự xuất hiện của chúng có thể gây hại cho các sinh vật và cả con người đang sống như thế nào? Thậm chí là những lo ngại lớn hơn về đạo đức của việc "đóng vai Chúa" bằng cách thao túng trật tự tự nhiên đều là những vấn đề khiến các nhà khoa học quan tâm.
Vấn đề của cả thế giới hay của các công ty tư nhân?
Dự án hồi sinh voi ma mút và hổ Tasmania là sự hợp tác giữa các nhà khoa học tại Úc và công ty Colossal Biosciences có trụ sở tại Mỹ. Đây là công ty phát triển kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh sản cho sinh học bảo tồn do nhà di truyền học người Mỹ George Church và doanh nhân Ben Lamm thành lập chỉ mới vào năm 2021.
Đối với nhiều nhà khoa học thế giới thì đây giống như một "phi vụ kinh doanh" hơn là mang tính bảo tồn sinh vật.
"Việc định hình lại hành tinh không nên để cho một số ít người hay đơn vị thực hiện. Thay vào đó, Colossal và tất cả các công ty tương tự nên làm điều gì đó, chẳng hạn như thu hút công chúng tham gia vào các quyết định nghiên cứu của mình. Nếu họ thực sự muốn bảo vệ hệ sinh thái Trái đất", nhà cổ sinh học người Anh Victoria Herridge cho biết.