Trả lời:
Đường chỉ màu đen hoặc trắng ở lưng tôm là đường tiêu hóa của tôm chứa dạ dày và đại tràng. Đường này dễ nhìn thấy ở những con tôm to.
Tuy nhiên, đường chỉ tôm bé, thực chất không quá nguy hiểm như gây ngộ độc hay tiêu chảy nặng nề, bởi các vi khuẩn trong chỉ tôm đã chết ở nhiệt độ cao khi nấu. Tuy nhiên, đường chỉ tôm không có giá trị dinh dưỡng, lại bẩn, lúc chế biến bạn nên loại bỏ đường chỉ tôm để món ăn được sạch và yên tâm hơn. Đặc biệt, khi nấu tôm cho trẻ ăn nên loại bỏ đường chỉ đen để đảm bảo vệ sinh, do đường ruột trẻ còn yếu.
Ngoài ra, bạn nên bỏ vỏ tôm vì không có dinh dưỡng, trẻ nhỏ ăn vỏ tôm có nguy cơ bị hóc. Bạn cũng nên bỏ đầu tôm vì bộ phận này chứa nhiều chất thải bẩn.
Tôm nên chế biến bằng cách hấp hay luộc chín để hạn chế nhiễm giun sán và ký sinh trùng gây ngộ độc. Khi mua nên quan sát đầu tôm, nếu bộ phận này chuyển màu đen thì nguy cơ nhiễm chất độc hại cao.
Không nên ăn hải sản chung với trái cây, do hàm lượng tanin trong trái cây khiến cơ thể giảm sự hấp thu của protein và canxi, dẫn đến đau bụng, buồn nôn, khó chịu. Nên ăn hải sản và trái cây cách nhau khoảng hai giờ.
PGS. TS
Viện Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội