Kỹ năng sống

Có IQ và EQ thôi là chưa đủ, FQ cũng quan trọng không kém: Rèn luyện trí thông minh tài chính cho con từ nào để tương lai không chật vật vì tiền

FQ là một loại chỉ số cảm xúc khác và hiếm khi được mọi người nhắc đến nhưng độ quan trọng của nó lại không kém gì IQ và EQ.  Vậy FQ là gì?

FQ (Financial Intelligence Quotient) được gọi là trí tuệ tài chính, chỉ số thông minh tài chính. FQ là khả năng nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của tài chính, kiểm soát tài chính, sử dụng tài chính vào những mục tiêu đúng đắn và thấu hiểu nguyên tắc lưu chuyển tiền tệ.

Trẻ em hiện nay đa số được cha mẹ chú trọng vào rèn luyện nâng cao IQ và EQ nhiều hơn là bồi dưỡng những chỉ số khác, trong đó có FQ. Đơn giản là bởi vì các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng những thứ liên quan đến tiền như cách quản lý tiền, cách tiêu tiền, vân vân là những điều rất đỗi tự nhiên và các con sẽ tự thông thạo khi lớn lên. 

Thậm chí, một số cha mẹ còn quan niệm rằng cho con tiếp xúc với tiền bạc ngay khi còn nhỏ là điều có hại cho trẻ. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng kĩ năng kiếm tiền trẻ có thể được bồi dưỡng từ từ khi lớn lên, nhưng những kiến thức đúng đắn về tiền bạc thì cần được trau dồi ngay từ khi còn nhỏ.

Dù rèn luyện IQ, EQ, hay FQ thì đều không phải chuyện dễ dàng. Nếu cha mẹ giáo dục con không đúng cách thì tất yếu sẽ không có hiệu quả, thậm chí còn có thể bị phản tác dụng. Vì vậy, trước khi tiến hành giáo dục tài chính cho con, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ lưỡng những vấn đề xoay quanh việc này.

Có IQ và EQ thôi là chưa đủ, FQ cũng quan trọng không kém: Rèn luyện trí thông minh tài chính cho con từ nào để tương lai không chật vật vì tiền - Ảnh 1.

Dưới đây là một điều cha mẹ bắt buộc phải lưu ý nếu muốn giáo dục tài chính cho con được hiệu quả.

    Cha mẹ nên bắt đầu rèn luyện trí tuệ tài chính cho trẻ từ khi nào?

Theo các chuyên gia đề xuất, cha mẹ nên bắt đầu rèn luyện trí tuệ tài chính cho trẻ khi trẻ 8, 9 tuổi. Tuy nhiên giáo dục quản lý tiền bạc ở đây hoàn toàn không giống với quản lý tài chính của người lớn, mà là dựa trên bản năng sinh tồn để hướng dẫn trẻ học cách tự chăm sóc bản thân mình. Giúp trẻ biết cách kiếm tiền và cách chi tiêu để đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống là trọng tâm trong việc quản lý tài chính của trẻ.

    Có phải chỉ người giàu mới có thể thực hiện giáo dục tài tính cho trẻ?

Những đứa trẻ con nhà giàu sẽ có cuộc sống sung túc hơn những đứa trẻ bình thường. Cuộc sống cầu gì được nấy từ nhỏ sẽ dễ dẫn đến việc hình thành thói xa hoa, lãng phí tiền bạc ở trẻ. Ngược lại, những đứa trẻ nhà nghèo vì kinh tế gia đình hạn hẹp mà dễ hình thành suy nghĩ sai trái về tiền bạc, luôn cho rằng mọi vấn đề đều là do vấn đề tiền bạc tạo nên. Vì vậy, dù giàu hay nghèo, giáo dục tài chính là cần thiết phải làm giúp trẻ có nhận thức đúng đắn nhất về tiền bạc.

Nói về vấn đề tiền bạc với trẻ, chúng tôi có một câu chuyện kinh điển như sau: Cùng một câu hỏi “Nhà mình có tiền không bố”, nhưng hai người bố lại có hai câu trả lời hoàn toàn khác nhau.

Người bố thứ nhất nói : “Bố có tiền, còn con thì không. Tiền của bố kiếm được là do bố đã làm việc chăm chỉ, và trong tương lai con cũng có thể kiếm tiền nhờ vào sức lao động của chính mình”. 

Còn người bố thứ 2 lại nói: “Nhà mình có rất nhiều tiền và số tiền này sau này sẽ thuộc về con”.

Có IQ và EQ thôi là chưa đủ, FQ cũng quan trọng không kém: Rèn luyện trí thông minh tài chính cho con từ nào để tương lai không chật vật vì tiền - Ảnh 2.

Tuy chỉ là một câu hỏi rất đơn giản của trẻ nhưng cách trả lời của bố lại khiến cho 2 đứa trẻ hình thành lối suy nghĩ về tiền hoàn toàn khác nhau. Đứa trẻ thứ 1 sẽ nhận thức được rằng tuy nhà có tiền nhưng đó không phải tiền của bé, và nếu muốn có nhiều tiền như vậy bé sẽ phải làm việc rất chăm chỉ như người bố đã làm. Ngược lại, đứa trẻ thứ 2 sẽ có suy nghĩ rằng, nhà có nhiều tiền và bé sẽ không phải làm việc chăm chỉ nữa.

Trên thực tế, hiện nay có khá nhiều bậc cha mẹ nhà giàu vì tránh hình thành thói tiêu xài hoang phí mà giấu giàu, giả nghèo giả khổ trước mặt con. Cách làm này tuy có phần đúng nhưng cần có chừng mực. Nếu quá đà sẽ có thể gây ra cảm giác không an toàn về tài chính cho trẻ. Bạn thử nghĩ xem, liệu có đứa trẻ nào có thể chuyên tâm học hành nếu suốt ngày nhìn thấy cha mẹ mình than phiền vì vấn đề tiền bạc hay không?

Vì vậy, trước khi trẻ trưởng thành, cha mẹ nên nói rõ ràng với con rằng: “Bố mẹ sẽ đảm bảo chi phí học hành và sinh hoạt cho con và con sẽ không phải lo lắng về điều đó. Nhưng khi trưởng thành, con phải tự tạo ra của cải của mình bằng sự nỗ lực của con.” Lời cam kết này rất quan trọng đối với trẻ em, nhất là trẻ em ở các gia đình không mấy khá giả, bởi chỉ khi trẻ có tâm lý ổn định thì trí tuệ mới phát triển tốt được.

    Giáo dục tài chính cho con trai và con gái không hoàn toàn giống nhau

Nuôi con trai theo kiểu nhà nghèo, nuôi con gái theo kiểu nhà giàu

Vì con trai trưởng thành muộn hơn nên khái niệm về tiền cũng hiểu được muộn hơn. Chỉ khi nhận ra được tiền là phương tiện chủ chốt để giải quyết nhiều vấn đề, con trai mới nhận ra giá trị của “tiền”, và trân trọng tiền. 

Còn con gái thường trưởng thành sớm hơn con trai, nên mục đích của việc dạy con gái theo kiểu nhà giàu là để tạo cho con gái một tâm lý lành mạnh, trau dồi cho chúng sự tự tin và một phẩm chất toàn diện, từ đó giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống.

Dạy con cái theo kiểu nhà nghèo và con gái theo kiểu nhà giàu là vì để đạt được sự cân bằng. Vì con trai trưởng thành khá muộn nên cần cho chúng sớm rèn luyện va chạm với thế giới bên ngoài, còn con gái quá nhạy cảm nên cần được chăm sóc, bảo vệ và giảm bớt những tổn thương mà thế giới bên ngoài sẽ mang đến cho các em.

Có IQ và EQ thôi là chưa đủ, FQ cũng quan trọng không kém: Rèn luyện trí thông minh tài chính cho con từ nào để tương lai không chật vật vì tiền - Ảnh 3.

Dạy con gái quản lý tiền, dạy con trai đầu tư tiền

Vì con trai và con gái đều có thế mạnh riêng của mình nên trọng tâm khi giáo dục tài chính cũng khác nhau. Dạy con gái biết tính toán sổ sách là để cô ấy biết cách quản lý tiền bạc, biết cách sống như thế nào là thoải mái nhất. Việc lập một quyển số tính toán nhỏ không chỉ phát huy được bản tính sắc sảo tỉ mỉ của con gái, mà còn giúp con gái có niềm tin rằng chúng có thể kiểm soát được cuộc sống của mình một cách hiệu quả.

Dạy con trai chơi trò Monopoly (cờ tỷ phú) và các trò chơi phát triển trí tuệ khác có thể giúp con trai phát huy tối đa sự năng động, linh hoạt của con trong quá trình đầu tư sau này. Bé sẽ được học dần cách kiểm soát lòng tham và sự bốc đồng, vội vàng của mình, học cách trả giá cho những quyết định sai lầm của mình. Theo thời gian, khi sự sáng tạo và khéo léo được nâng cao, bé sẽ có suy nghĩ bảo toàn vốn một cách tự nhiên.

    Có nên dùng tiền để thưởng và phạt con?

Trẻ có thể nhận được một khoản tiền thù lao khi lao động, nhưng cha mẹ nên tách biệt lao động và việc nhà. Khi trẻ phụ giúp gia đình làm việc nhà như rửa bát, quét nhà, lau nhà… cha mẹ không được trả công cho trẻ mà phải cho trẻ hiểu được rằng, là một thành viên trong gia đình thì đây chính là nghĩa vụ mà chúng phải làm. Nhưng nếu là rửa xe thì cha mẹ có thể trả thù lao tương ứng, vì rửa xe là dịch vụ cần trả tiền bên ngoài.

Có IQ và EQ thôi là chưa đủ, FQ cũng quan trọng không kém: Rèn luyện trí thông minh tài chính cho con từ nào để tương lai không chật vật vì tiền - Ảnh 4.

Trả thù lao cho trẻ là để nuôi dưỡng khái niệm quản lý tài chính cho trẻ em, nhưng cha mẹ tuyệt không thể dùng tiền để thao túng con cái. Ví dụ, đừng nói với con rằng: “Nếu con không ngoan, tháng sau con sẽ không có tiền tiêu vặt”. Cách làm này là sai lầm, vì nó có thể dẫn đến quan niệm sai lầm coi tiền là tất cả ở trẻ em. Ngoài ra, trong việc giáo dục tài chính này cả nhà nên đoàn kết một lòng với nhau, không nên chỉ có cha mẹ dạy mà ông bà lại buông thả cho con vì điều này sẽ làm giảm chất lượng giáo dục đi rất nhiều.

Tóm lại, trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, giáo dục tài chính cho con cần được chú trọng nhiều hơn. Để con hiểu rõ được giá trị của đồng tiền, cách quản lý và tiêu xài tiền hợp lý ngay từ khi còn nhỏ là tiền đề quan trọng giúp con có được một cuộc sống tốt hơn trong tương lai không xa.

Tổng hợp


Cùng chuyên mục

Đọc thêm