Chứng khoán

Cơ hội đầu tư chứng khoán ra sao trong năm 2023?

Năm 2023 được dự báo nhiều biến động, thách thức với nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam. Dù vậy, vẫn xuất hiện không ít cơ hội đầu tư. Trao đổi tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư năm 2023.

BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá như thế nào về bức tranh lợi nhuận chung của các doanh nghiệp năm 2022 vừa qua?

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Theo số liệu mà chúng tôi có được, đến thời điểm hiện tại, tổng lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp trên cả 3 sàn so với năm 2021 tăng khoảng 11,5%, tức là vẫn có tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng này thấp hơn khá nhiều so với năm 2021. Năm 2021 lợi nhuận của các doanh nghiệp trên cả ba sàn tăng trưởng khoảng trên 30%. Tất nhiên là con số cho đến hiện tại cũng chưa đầy đủ cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng phần nào chúng ta đã nhìn thấy một bức tranh chung của các doanh nghiệp.

Một số nhóm ngành có sự sụt giảm khá là mạnh như dịch vụ tài chính, ở đây là các công ty chứng khoán khi năm 2022 là một năm có nhiều biến động đối với thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng chứng kiến đà sụt giảm. Ngoài ra, nhóm tài nguyên cơ bản cũng sụt giảm trên 50%, khi nhiều doanh nghiệp ngành thép đã báo lỗ trong năm vừa rồi.

Vậy theo ông đâu là những nhóm ngành vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt dù thị trường đã bước vào giai đoạn lãi suất tăng cao?

Chúng ta có thể thấy một số nhóm ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Như nhóm dầu khí trong năm vừa qua vẫn tăng khoảng trên 50%, hay ngành ngân hàng, lợi nhuận trong năm vừa qua tăng khoảng 34%. Đấy là hai ngành tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm 2022. Ngoài ra, khá nhiều nhóm ngành khác cũng có mức tăng trưởng tốt, ví dụ như tiện ích. Chúng ta đều biết là, năm 2021 phải giãn cách vì dịch Covid, nên năm 2022 tiêu dùng, đặc biệt là hoạt động bán lẻ cũng như đi lại, chi tiêu của người dân,…có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với năm 2021. Tuy nhiên, những khó khăn thì nó cũng chưa phản ánh hết và các báo cáo của doanh nghiệp. Bởi mặt bằng lãi suất hay các yếu tố khác cũng có sự biến động kể từ quý III, quý IV trở đi.

Bên cạnh đó, còn một cách phân loại khác đó là chia các doanh nghiệp thành các nhóm như nhóm vốn hóa nhỏ, vốn hóa vừa và nhóm vốn hóa lớn. Theo các ông nhóm vốn hóa nào đang có mức tăng trưởng tốt hơn?

Qua 2 năm dịch Covid thì hầu hết các hoạt động, các doanh nghiệp trong nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu đánh giá các doanh nghiệp đầu ngành cần vốn hóa lớn, hay những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh hơn thì khả năng chống đỡ của các doanh nghiệp này trong giai đoạn giãn cách vì Covid tốt hơn. Và khi mà nền kinh tế không còn giãn cách, quay trở lại bình thường thì các doanh nghiệp này cũng thường quay trở lại nhanh và bật mạnh hơn. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có nền tài chính họ yếu hơn, sau một thời gian bị tác động, sức bật cũng như sự tăng trưởng của các nhóm này cũng sẽ thấp hơn.

Hiện tại, theo chúng tôi tìm hiểu, mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã tăng khoảng 4% đến 4,5% so với đầu năm 2022. Trong bối cảnh lãi suất cao như vậy, sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn, cũng như sẽ rất khó khăn để duy trì được sức cạnh tranh trên thị trường.

Vậy theo ông, những nhóm ngành này liệu có tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023?

Trong năm 2023, tôi cho rằng nhóm ngân hàng sẽ duy trì được đà tăng trưởng, tuy nhiên nhóm ngày cũng phải đối mặt với những khó khăn như lãi suất huy động đã tăng lên, trong khi đó tăng trưởng tín dụng đối với các doanh nghiệp cũng đang không được thuận lợi, đặc biệt là thị trường bất động sản cũng đang gặp nhiều khó khăn cũng làm ảnh hưởng đến đầu ra của hoạt động tín dụng. Vì vậy, trong năm 2023, để nhóm này duy trì được mức tăng trưởng hơn hai con số như năm 2022 là rất khó. Bên cạnh đó, nhóm ngành dầu khí, theo tôi cũng có thể giữ được sự tăng trưởng trong năm 2023. Bởi giá dầu trong năm 2022 cũng đã giảm nhiệt, tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước dịch thì giá dầu thế giới vẫn đang ở mức khá cao khi trên thế giới vẫn có khá nhiều các yếu tố đang bất định. Chính vì thế, trong năm 2023 này, ngành dầu khí vẫn giữ được đà tăng trưởng. Mặc dù là mức độ tăng trưởng có thể sẽ không cao được bằng năm 2022.

Bước sang năm 2023 này, theo ông, thị trường chung sẽ diễn biến như thế nào?

Chúng ta đều nhận thấy trong năm 2023, mặt kinh tế vĩ mô sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức. Thứ nhất là bên ngoài, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa dừng lại. Thứ hai là lạm phát ở rất nhiều quốc gia, mặc dù cũng có tín hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Còn lãi suất hầu hết vẫn đang duy trì ở một mặt bằng cao, đồng thời, sức mua của người tiêu dùng thì giảm. Tất cả các yếu tố này đều tác động đến hoạt động kinh tế của Việt Nam từ quý IV, và chúng tôi cho rằng sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2023 tiếp theo này.

Trong nước cũng phải đối mặt với một số rủi ro như lĩnh vực như bất động sản được dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm nay, đặc biệt đối là các doanh nghiệp bất động sản trên sàn là nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa khá lớn, chỉ xếp sau nhóm ngân hàng nên sẽ có thể làm ảnh hưởng đến các nhóm khác.

Bên cạnh đó, chúng ta đều nhìn thấy, năm 2022 thị trường trái phiếu Việt Nam cũng đã có khá nhiều xáo trộn. Và trong năm 2023 này, một lượng lớn trái phiếu nữa cũng sẽ đến hạn, công việc xử lý các trái phiếu này khi đến hạn như thế nào thì hiện đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. Chính vì thế, tôi cho rằng tất cả những khó khăn này sẽ tác động đến tình hình chung hoạt động của tất cả các doanh nghiệp niêm yết năm 2023.

Tuy nhiên vẫn có những điểm sáng như trong năm 2023 này, chính sách đẩy mạnh tài khóa của Chính phủ là một hoạt động quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với hoạt động giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh trong năm tới sẽ tạo ra sự thúc đẩy về doanh thu cũng như hoạt động lợi nhuận của các ngành, các doanh nghiệp liên quan, cũng như thúc đẩy nền kinh tế nói chung.

Như vậy, dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp nói chung sẽ ra sao?

Tôi cho rằng, trong năm tới, mức tăng trưởng chung cũng sẽ khá thách thức. Tất nhiên, một số ngành như chúng ta vừa phân tích như ngân hàng hay dầu khí vẫn tăng trưởng, dù có thể là chậm lại. Tuy nhiên, một số ngành như ngành thép trong năm 2022 gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, 2023 chúng tôi cho rằng sẽ đỡ khó khăn hơn vì lợi nhuận của nhóm ngành thép dự báo có khả năng sẽ có sự tăng trưởng trở lại sau khi giảm rất mạnh trong năm 2022. Ngoài ra, một số nhóm ngành như dịch vụ tài chính, ngành chứng khoán, sau năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm mạnh thì có thể năm 2023 sẽ quay lại sự tăng trưởng. Ngoài ra, một số các nhóm ngành khác trên thị trường vẫn giữ được sự tăng trưởng như là tiện ích, nhóm công nghệ…

Năm 2023, các ngành, đặc biệt là ngành hàng không và ngành du lịch sẽ khởi sắc hơn năm 2022. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cấp phép cho hoạt động du lịch theo tour đến khoảng 20 quốc gia. Trong đó, rất tiếc là chưa có Việt Nam nhưng tôi cho rằng việc mở cửa khách du lịch của Trung Quốc sang Việt Nam là câu chuyện sớm muộn mà thôi. Bên cạnh đó, các thị trường khác như thị trường Châu Âu, Mỹ, các thị trường nước ngoài khác sẽ tiếp tục có sự khởi sắc thì ngành hàng không và du lịch chắc chắn cũng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2023.

Tựu chung lại, bình quân cả thị trường, chúng tôi dự báo lợi nhuận vẫn có sự tăng trưởng, vào khoảng từ 8 đến 10%.

Nhà đầu tư nên làm như thế nào? lựa chọn theo nhóm ngành hay theo nhóm vốn hóa?

Theo tôi, trong năm 2023, thị trường sau một năm giảm rất mạnh sẽ đi vào xu hướng tích lũy, như vậy các cơ hội cho đầu tư ngắn hạn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư trung và dài hạn sẽ nhiều hơn. Tất nhiên, về mặt chọn các nhóm ngành thì chúng ta cần quan tâm đến, một là các nhóm ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong giai đoạn kế tiếp. Thứ hai là đối với một số nhóm ngành mà hiện giờ đang gặp khó khan, chúng ta vẫn có thể tìm được những cơ hội trong những nhóm ngành đấy và nếu có các doanh nghiệp do có những khó khăn ngắn hạn làm giá cổ phiếu sụt giảm dưới giá trị thực của doanh nghiệp, đó vẫn là những cơ hội cho nhà đầu tư đầu tư trung, dài hạn.

Một số doanh nghiệp mang tính ổn định, như nhóm ngành tiện ích vẫn có sự tăng trưởng đều đều qua các năm, bên cạnh đó, họ có chính sách cổ tức tốt, các doanh nghiệp thuộc nhóm đầu ngành, tài chính của họ là duy trì được khá tốt. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp đã nhìn nhận được trước sự khó khăn cũng như mặt bằng lãi suất sẽ tăng, họ đã chủ động giảm hệ số đòn bẩy xuống, bằng cách là trả bớt nợ, tăng cường thêm tiền mặt. Đấy là những động thái mà tôi nhìn nhận là các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị trước cho sự khó khăn chung của nền kinh tế trong năm nay. Nhà đầu tư có thể quan tâm những doanh nghiệp như vậy cho đầu tư trung và dài hạn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm