“Em từng chỉ mong ăn uống mà không bị sặc, nói chuyện mà không ai nhìn em với ánh mắt thương hại”, Minh Xuân - 26 tuổi, TP.HCM kể lại hành trình hơn hai thập kỷ sống trong tự ti, mặc cảm và giấc mơ một lần được sống như người bình thường.
Ngay từ khi chào đời, Xuân mang trên mình dị tật sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh. Những ngày thơ ấu của Xuân gắn liền với ánh nhìn tò mò của người lớn, với tiếng xì xào bàn tán và cả lời trêu chọc vô tâm từ bạn bè cùng lớp. Lúc nhỏ, chị không hiểu vì sao mọi người cứ nhìn chằm chằm vào mặt mình, hay cười khúc khích khi chị nói. Lớn lên một chút chị bắt đầu sợ đến trường, sợ ra đường vì cứ "cảm thấy bản thân khác biệt".

Ê kíp bác sĩ phẫu thuật cho Minh Xuân.
Từng được phẫu thuật hai lần trong thời thơ ấu, nhưng khuôn mặt của chị vẫn mang nhiều dấu vết chưa lành lặn. Hàm trên kém phát triển, hàm dưới lệch sang phải, răng mọc chen chúc, các khe hở chưa được vá kín khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Khi uống nước hay ăn đồ lỏng, chị phải nghiêng mặt và nín thở vì sợ nước sặc ra mũi.
Lớn lên trong nỗi ám ảnh ngoại hình, Minh Xuân gần như luôn giấu mình sau lớp khẩu trang. “Nắng hay mưa, tôi cũng không bao giờ bỏ khẩu trang. Tôi từng nghĩ, nếu có thể sống mà không phải bỏ nó ra thì tốt biết mấy”, chị Xuân nói.
Không muốn sống mãi trong bóng tối, chị quyết định tự cứu lấy mình. Chị đi làm từ sớm, gom góp từng đồng để dành dụm chi phí cho cuộc phẫu thuật “để được là chính mình”.
Tháng 6/2023, Xuân bước vào hành trình thay đổi ngoại hình. Sau khi thăm khám, bác sĩ Edward Nguyễn, Bệnh Viện Thẩm Mỹ Kangnam Sài Gòn nhận định, trường hợp của Minh Xuân cần trải qua lộ trình phẫu thuật chuyên sâu, bắt đầu bằng đại phẫu xương hàm và chỉnh hình khuôn mặt.
Trong ca phẫu thuật đầu tiên kéo dài gần 4 tiếng, các bác sĩ thực hiện đồng thời nhiều kỹ thuật, đẩy hàm trên ra phía trước để tái tạo độ nhô tự nhiên, chỉnh hàm dưới về đúng trục, vá kín các khe hở còn sót lại. Nghe bác sĩ nói sẽ phải cắt xương, xoay trục hàm, chị vừa sợ vừa mừng. Chị sơ đau nhưng mừng vì có hy vọng.
Sau nhiều tuần hồi phục, Minh Xuân bước vào ca phẫu thuật thứ hai. Lần này, đội ngũ bác sĩ giúp Xuân nâng mũi bằng sụn sườn tự thân và cắt cánh mũi - khắc phục tình trạng đầu mũi to, cánh mũi sập. Ca phẫu thuật không chỉ giúp tái tạo đường nét khuôn mặt mà còn mang lại sự hài hòa tổng thể - bước tiến cuối cùng trong hành trình lột xác.

Ngoại hình của Xuân trước và sau phẫu thuật.
Khoảnh khắc chiếc băng được tháo ra, chị bật khóc khi nhìn thấy mình trong gương. "Chưa bao giờ tôi thấy mình đẹp như vậy. Đó không chỉ là gương mặt mới, mà là một cuộc đời mới”, chị nói.
Giờ đây, Minh Xuân không còn là cô gái chỉ biết sống lặng lẽ sau lớp khẩu trang. Chị chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ từng mặc cảm ngoại hình. “Ai cũng có quyền mơ ước được sống đẹp và tự tin. Nếu có cơ hội, xin đừng ngần ngại bước lên. Tôi đã làm được và tôi tin mọi người cũng có thể”, chị nói.
Hành trình của Xuân không chỉ là ca lột xác về ngoại hình, mà còn là hành trình chữa lành vết thương tâm hồn, hành trình của sự dũng cảm, kiên trì và tin vào điều tốt đẹp.
Mỗi ngày, trên thế giới trung bình 550 trẻ em ra đời bị dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ sinh ra bị dị tật. Trong đó, dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng.
Nguyên nhân gây dị tật này có thể là mẹ bầu đã dùng thuốc không đúng chỉ định trong thời gian đầu của thai kỳ, nhiễm chất độc hóa học, do nhiễm tia X hoặc nhiễm siêu vi, bị cảm cúm.
Người mẹ khi mang thai bị stress, điều kiện sống thấp, suy dinh dưỡng lúc mang thai có thể khiến con bị sứt môi - hở hàm ếch. Những yếu tố về di truyền hay cha mẹ sinh con lúc lớn tuổi cũng là nguyên nhân dị tật này. Do đó, phẫu thuật kịp thời và đúng kỹ thuật giúp các bé phục hồi chức năng bú, nhai - cắn, cải thiện thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát âm sau này.