Trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Sáu (11/4), giá vàng tăng hơn 3% lên mức cao kỷ lục, đạt 3.219,23 USD/ounce. Từ chiều 10/4, giá vàng đã ba lần lập đỉnh.
Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 3,2% và đóng cửa ở mức 3.177,5 USD.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư cho biết ông sẽ tạm thời giảm thuế quan nặng nề đối với hàng chục quốc gia, nhưng tăng thuế đối với Trung Quốc từ 104% lên 125%.
Nikos Tzabouras - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Tradu.com - cho biết: "Vàng lấy lại sức hấp dẫn là nơi trú ẩn an toàn, đang trên đà đạt mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, triển vọng thỏa thuận với các đối tác thương mại đặt ra rủi ro đáng kể đối với tiềm năng tăng giá của vàng vì có thể gây áp lực mới lên kim loại này. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất có thể củng cố đồng USD, phát sinh trở ngại cho giá vàng".
![]() |
Xu hướng tăng của giá vàng. |
Dữ liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ bất ngờ giảm vào tháng 3. Rủi ro lạm phát đang có xu hướng tăng sau khi ông Trump tăng gấp đôi thuế quan đối với Trung Quốc.
Theo dõi dữ liệu, các nhà giao dịch đặt cược Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và có thể sẽ giảm lãi suất chính sách xuống một điểm phần trăm vào cuối năm.
Alex Ebkarian - Giám đốc điều hành tại Allegiance Gold - cho biết: "Chúng tôi thấy các Ngân hàng Trung ương đang mua vàng. Dòng tiền chảy vào các ETF và rủi ro chính sách tiền tệ tăng là động lực chính tiếp tục hỗ trợ giá vàng".
Giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 30,88 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,5% xuống 932,41 USD và giá palladium giảm 1,4% xuống 918,45 USD.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu Brent tương lai giảm 31 cent, tương đương 0,5%, xuống còn 63,02 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai West Texas Intermediate của Mỹ giảm 36 cent, tương đương 0,6%, xuống còn 59,71 USD. Cả hai chuẩn đều giảm hơn 2 USD vào thứ Năm.
Giá dầu giảm do lo ngại cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai nước làm giảm mức tiêu thụ dầu thô vì mâu thuẫn gây hạn chế tăng trưởng kinh tế.