Đối với bất kỳ ai thắc mắc trải nghiệm làm việc ở phố Wall như thế nào, cuốn hồi ký Private Equity: A Memoir của cô gái Carrie Sun - trợ lý cá nhân cho một trong những nhà quản lý quỹ phòng hộ hàng đầu thế giới, có thể cho bạn câu trả lời. Cuốn sách đưa người đọc đi qua quá trình tuyển dụng phức tạp (11 cuộc phỏng vấn), sự căng thẳng hàng ngày và những đặc quyền tuyệt vời mà Carrie Sun nhận được khi làm công việc quản lý lịch trình của một tỷ phú.
Carrie Sun
Carrie Sun không nêu tên vị tỷ phú quỹ phòng hộ. Tuy nhiên tờ New York Times đưa tin Sun là trợ lý riêng của tỷ phú Chase Coleman, người sáng lập quỹ phòng hộ Tiger Global trị giá 51 tỷ USD. Coleman có giá trị tài sản ròng 5,7 tỷ USD. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Williams, ông đến làm việc cho huyền thoại tỷ phú Julian Robertson, người đã cho ông 25 triệu USD để thành lập Tiger Global.
Trong cuốn hồi ký của mình, Carrie Sun không đào sâu vào quyết định đầu tư của quỹ phòng hộ, nhưng cô mô tả sự thay đổi tâm trạng chung trong thời kỳ thị trường suy thoái dẫn đến cô phải đảm nhiệm nhiều công việc hơn, đi kèm với sự căng thẳng. Trong phần ghi chú ở cuối cuốn sách, Carrie Sun nói rằng những sự kiện cô mô tả là có thật và chỉ có tên nhân vật được thay đổi.
Đặc quyền xa hoa khi làm trợ lý cá nhân cho tỷ phú
Mặc dù trong suốt cuốn hồi ký, cô liên tục miêu tả ông chủ là “tốt bụng". Tuy nhiên những câu chuyện cũng thể hiện cả khía cạnh áp lực và rủi ro khi làm việc cho một nhà tỷ phú.
Carrie Sun cho biết sau khi quỹ phòng hộ được thành lập, công ty đã bắt đầu chuẩn bị cho những sự kiện lớn hàng năm. Năm đó, chương trình diễn ra tại khách sạn sang trọng và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Amangani ở Jackson, Wyoming, nơi một phòng có thể có giá 2.400 USD/đêm (~59,3 triệu đồng).
Vào những dịp giáng sinh, cô thường nhận được những món quà xa hoa từ ông chủ của mình, chẳng hạn như phiếu quà tặng SoulCycle trị giá 2.500 USD (~61,8 triệu đồng), một chiếc túi xách Balenciaga lớn và một chiếc áo khoác mùa đông từ Derek Lam, có tổng giá trị hơn 6.000 USD (~148 triệu đồng). Cô cũng nhận được những món quà đắt tiền từ đồng nghiệp, gồm một chiếc móc chìa khóa Tiffany có khắc chữ, loa bluetooth và tai nghe Powerbeats 2 của Dre Beats. Tuy nhiên, Sun cũng phải nhướn mày trước những vật phẩm giá trị bị giới nhà giàu lãng phí, như chai whisky trị giá 200 USD (~4,9 triệu đồng) bị ném vào thùng rác.
Carrie Sun thường xuyên nhận được món quà xa xỉ từ ông chủ
Các đặc quyền không dừng lại ở đó. Công ty nơi Carrie Sun làm việc có phòng thể dục được trang bị đầy đủ thiết bị. Phòng thay đồ dành cho nữ chứa đầy dầu gội và dầu xả của dòng sản phẩm làm đẹp thường bán ở cửa hàng bách hóa sang trọng Barneys.
Tuy nhiên điều tuyệt vời nhất là nhân viên thậm chí không cần phải mang theo quần áo tập luyện riêng. Bởi phòng tập thể dục có đầy đủ quần áo tập luyện của những thương hiệu lớn như Nike và Lululemon với đủ kích cỡ cho cả nam và nữ.
Các đối tác của quỹ phòng hộ thường xuyên lui tới Nobu, nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng với món cá tuyết miso đen và món tempura tôm đá. Được biết, rất khó để đặt chỗ vào bất kỳ ngày nào ở nhà hàng này. Tuy nhiên, Carrie Sun và cộng sự có thể đặt chỗ tùy ý vì họ luôn có tên trong danh sách.
Công ty này cũng không ngại vứt bỏ những món đồ đắt tiền, như chiếc bánh sinh nhật Rangers trị giá 1.000 USD (~24,7 triệu đồng) của vị tỷ phú đã bị ném vào thùng rác dù chưa có ai đụng miếng nào. Trong cuốn sách, Sun mô tả lại trải nghiệm nhặt được chai rượu Johnnie Walker Blue Label từ thùng rác, với mức giá trung bình 200 USD/chai (~4,9 triệu đồng).
Carrie Sun và cộng sự có thể đặt chỗ tùy ý ở nhà hàng lớn vì họ sẽ luôn có chỗ ở đây
Những căng thẳng và áp lực
Tuy nhiên, đi kèm đặc quyền xa xỉ và mức lương đáng mơ ước là những căng thẳng khi làm việc tại quỹ phòng hộ hàng đầu thế giới. Tại đây, Carrie Sun và một số trợ lý khác không được lắng nghe tiếng nói của mình.
Họ cũng cảm thấy áp lực phải mỉm cười khi làm bất cứ điều gì được yêu cầu mà không được quyền thắc mắc. Sun cho biết, không ai trong số 8 trợ lý có con cái và “đang cố gắng tồn tại trong một văn phòng phân biệt giới tính, nơi đánh giá cao khả năng đặt công việc lên trên mọi thứ khác”.
Đôi khi cô đặt câu hỏi, liệu tất cả mọi chuyện có xứng đáng hay không, đặc biệt sau khi cô gặp phải các vấn đề sức khỏe và rối loạn ăn uống. Nhiều lần cô chứng kiến mình ăn ngấu nghiến những chiếc bánh quy còn sót lại trong văn phòng thay vì dùng bữa tối tử tế vì đã quá mệt.
Không dừng lại ở đó, công ty còn cảnh báo các trợ lý không nên buôn chuyện, "để che đậy nỗi sợ điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi đến gặp nhau và nói chuyện.”, Carrie Sun nói.
Carrie Sun được cho là đã từng làm trợ lý cá nhân cho Chase Coleman của Tiger Global
Cuối cùng Sun đã nghỉ việc sau khi bác sĩ trị liệu nói rằng công việc này đang "giết chết cô ấy". Cô cũng cho rằng không có thẻ spa miễn phí hay chiếc túi hàng hiệu nào xứng đáng để đánh đổi quyền kiểm soát cuộc sống của mình.
"Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa ở đây là tôi sẽ được nhận tiền thưởng cuối năm, nhưng tôi không trụ nổi. Tôi không thể sống thêm ngày nào với công việc quay cuồng này", Sun viết trong hồi ký.