Trần Mai Ri, 28 tuổi, ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, đã có nhiều năm làm du lịch ở TP HCM. Gần nửa năm 2021, thành phố giãn cách vì Covid-19 cô chỉ quanh quẩn trong phòng trọ. Những ngày đó thực phẩm khan hiếm, Mai Ril đặt mua phôi nấm trồng trong phòng trọ vừa để cải thiện bữa ăn, vừa như một cách xả stress.
Tiếp xúc với nấm hàng ngày lại rảnh rỗi cô lên mạng đọc, tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này. Mỗi loại nấm, Mai Ril mua vài phôi về thử nghiệm. Thời gian đó, căn phòng trọ 20 m2 của hai chị em Ril chất đầy nấm.
Dịch bệnh khiến cô gái quê sông nước thấy cuộc sống quá mong manh, đột nhiên, những khát khao làm giàu nơi đất khách không còn. Mai Ril muốn hai chị em được trở về ngôi nhà ven sông, sống bên ba mẹ như thuở còn thơ.
"Khi đại dịch ở TP HCM vừa lắng, người ta trở lại thành phố thì tui ôm hơn chục phôi nấm bỏ phố về quê'', Mai Ril nói về quyết định hồi tháng 11/2021, ''Tui luôn muốn ở lại thành phố để làm giàu, trả nghĩa ba mẹ, phụ giúp em trai nhưng cuộc sống làm thuê ở thành phố những ngày đại dịch quá khó khăn''.
Thấy con gái bỏ phố, chị Châu Thị Thi (mẹ Ril) rất lo lắng và có chút thất vọng. Trước đây, để có tiền cho con gái học đại học, người phụ nữ 48 tuổi phải bỏ nghề nông đi làm công nhân ở Đồng Nai. Em trai kém Ril một tuổi cũng nghỉ học, đi làm phụ giúp ba mẹ. ''Nhiều người nói tui mất công tốn tiền nuôi con gái học mà giờ nó vẫn tay không về quê ăn bám. Vợ chồng tui lo nhưng tin và thương con nên vẫn ủng hộ'', chị Thi kể.
Sau những ngày tìm hiểu thị trường, Mai Ril nhận thấy ở huyện mình, người dân biết đến nấm chưa nhiều. Trong khi đó, người Cà Mau lại ăn chay nhiều. "Họ chỉ biết đến rau, hoa quả. Nay nấm sẽ là món chay mới bổ dưỡng và ngon miệng. Trồng bán chắc chắn sẽ có khách'', cô gái nhận định.
Mai Ril bỏ tiền tiết kiệm, mua vài trăm phôi nấm về trồng thử trong điều kiện thời tiết, độ ẩm ở quê. Cô đồng thời đăng ký một khóa học kinh doanh, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mày mò tự học thêm cách quay, dựng video để giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội.
Nhưng nấm bán chẳng ai mua. Người dân quê sợ có độc hoặc không biết cách nấu. Mai Ril phải đi quanh xóm tặng bà con, gửi tặng họ hàng, người quen, hướng dẫn họ cách chế biến. Khách trong xã, trong huyện và trên các trang thương mại điện tử bắt đầu xuất hiện.
Khi có một lượng khách ổn định, cô gái 28 tuổi quyết định vay vốn của hội phụ nữ xã mở rộng kinh doanh. Cô nhập về 3.000 phôi nấm các loại, nhờ bố và hàng xóm xây dựng giúp nhà chứa phôi nấm. Họ tận dụng gỗ xà cừ quanh vườn, xin lá dừa về lớp mái, làm vách, dựng xưởng trên mảnh vườn bỏ hoang rộng 10.000 m2 của gia đình.
Phôi nấm chở bằng xe tải lớn, chỉ dừng ở quốc lộ, cách đường vào nhà hơn 6 km. Trời mưa như trút nước, cha con Mai Ril đi tắt bằng cách trùm áo mưa, chèo xuồng qua sông chở nấm về. Hôm đó, hai cha con thức đến nửa đêm xếp nấm lên kệ nhưng gần sáng, mưa lớn làm các kệ chứa phôi bị lật, cả nghìn phôi nấm đổ nhào xuống nước. Hai cha con lại đội mưa che chắn, cứu những phôi còn sót lại. ''Với một đứa lâu ngày không làm việc nặng như tui thì cực vô cùng'', cô kể. Cô gái vốn trắng trẻo nay da xạm nắng, gầy gò vì lo lắng, nắng mưa, nặng nhọc.
Suốt những tháng tiếp theo, Mai Ril quay cuồng nhập phôi, chăm nấm, thu hoạch bất kể ngày đêm. Cô tự mình quay dựng clip rao bán trên mạng rồi mang hàng đi giao. Đơn ở TP Cà Mau, cách nhà 30 km, cô chạy xe máy đến tận nơi giao, miễn phí ship để thu hút khách hàng. Đơn khách các tỉnh mua phôi nấm, Mai Ril chất lên xe máy, chạy hơn 6 km ra bưu điện gửi.
Có nhiều khách, Mai Ril vay thêm tiền của người thân dựng nhà lá để đặt kệ trồng nấm. Trồng nhiều, nấm bắt đầu xuất hiện tình trạng hỏng, phải đổ bỏ, Mai Ril đôi lúc nản lòng. ''Nhưng nghĩ đến người mẹ công nhân xa nhà, đến người cha sức yếu và em trai đang ở trọ, tui lại có động lực tiếp tục'', cô nói.
Sau 5 tháng, kinh doanh nấm bắt đầu có lời. Lợi nhuận có được, Mai Ril đầu tư thêm mở rộng diện tích. Đến tháng 7, khi đủ tự tin khởi nghiệp thành công, cô gọi điện mời mẹ cùng về quê trợ lực. Em trai cô đang ở phố với công việc làm thuê bấp bênh cũng về đầu quân cho chị gái.
Hiện tại, Mai Ril sở hữu 5 nhà trồng nấm và tiếp tục mở rộng trên chính mảnh vườn gia đình trước đây chỉ để cỏ mọc hoang, doanh thu tăng đều đặn. Tháng trước, cô thu về 150 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 50%.
Giờ Mai Ril không còn phải một mình chạy xe lên thành phố giao nấm mà đã thuê thêm người làm công. Đơn hàng phôi nấm nhiều, xe của bưu điện đến tận nơi nhận. Mai Ril đang xây dựng kế hoạch mở rộng các vùng trồng nấm ở huyện Cái Nước bằng cách hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân.
"Niềm tin vợ chồng tui đặt ở con gái không hề sai. May mắn là có con, gia đình tui được đoàn tụ, lại kiếm ra tiền mà không phải đi đâu'', mẹ Mai Ril vừa tạo hình nấm linh chi bonsai, vừa nói.
Dịp Tết này, Mai Ril cho ra mắt loại nấm linh chi bonsai cho khách trưng Tết. Thay vì uốn bằng cách can thiệp vật lý như các loại cây cảnh thông thường, cô dùng cách hướng sáng. Ngọn nấm thấy nguồn sáng sẽ vươn theo, nhờ vậy tạo được thế cảnh như người trồng kỳ vọng.
Thạc sĩ công nghệ sinh học Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) cho biết, nấm linh chi bonsai được nhiều hộ trồng nấm trồng để chơi, nhưng bán ra thị trường thì lần đầu chị nghe thấy. "Chất lượng và công dụng của nấm không thay đổi. Sau trưng người chơi vẫn có thể dùng như bình thường'', chị Hồng cho biết.
Bà Nguyễn Ngọc Linh, chủ tịch hội Phụ nữ xã Hưng Mỹ cho biết, Mai Ril là cô gái trẻ ưa tìm tòi, nỗ lực khởi nghiệp trên quê hương. ''Các chị em khác chỉ vay vốn để buôn bán nhỏ lẻ, còn Mai Ril thì chọn một hướng đi tuy mới nhưng bền vững. Là nông dân biết áp dụng công nghệ 4.0 nên bạn ấy sớm gặt hái thành quả khả quan'', bà Linh nói.
Khi cô kể về hành trình khởi nghiệp trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ nói cũng rất muốn, nhưng lại không dám bắt đầu. ''Tui khuyên các bạn hãy bắt tay vào làm đi. Vì nếu chỉ muốn rồi lo sợ và không dám thực hiện thì cả đời chúng ta vẫn chỉ làm giàu cho người khác và sống với nỗi ăn năn'', Mai Ril nói.