Cuối tháng 5, 114 MW của Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) thuộc Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG) đã chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD), là dự án điện tái tạo trong nước "về đích" đầu tiên trong nhóm các dự án chuyển tiếp.
Được khởi công xây dựng vào ngày 29/5/2020, với diện tích 325 ha, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung với công suất 330 MW, tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng.
Ngày 31/12/2020, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đã đưa vào khai thác thương mại 216 MW trên tổng công suất 330 MW, được hưởng mức giá mua điện là 7,09 cent/kWh (1.644 đồng/kWh) trong vòng 20 năm. 114 MW còn lại vừa được COD vào cuối tháng 5 như đề cập ở trên sau hai năm chờ đợi.
Chiến lược dài hạn của BCG - năng lượng
Năm 2019, thị trường chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Bamboo Capital (Mã: BCG), một tập đoàn đa ngành, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng hạ tầng, tài chính... cũng không nằm ngoài cuộc chơi và đã có những bước đầu tiên vào mảng năng lượng sạch này. Tập đoàn đã xác định chọn năng lượng tái tạo là hoạt động huyết mạch trong dài hạn thông qua công ty thành viên là BCG Energy.
BCG Energy được thành lập tháng 6/2017, ngành nghề chính là sản xuất điện, do ông Phạm Minh Tuấn là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc. Ông Tuấn cũng đang góp mặt vào HĐQT của BCG.
Nhờ BCG Energy, BCG hiện tại đang là công ty năng lượng tái tạo niêm yết có quy mô công suất lớn nhất ngành và đã đưa vào hoạt động 592 MW bao gồm 4 dự án BCG Long An 1 (40,6 MW), BCG Long An 2 (100,5 MW), Phù Mỹ 1 (330 MW) và BCG Vĩnh Long (49,3 MW) cùng một số dự án điện mặt trời mái nhà (72 MW – cập nhật đến 31/12/2022). Các nhà máy này được xây dựng trong giai đoạn 2018 - 2020, hầu hết đều được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm.
Ngoài ra, BCG Energy cũng đang triển khai các dự án điện gió trên biển bao gồm Khai Long Cà Mau (GĐ1) và Trà Vinh (GĐ1) với tổng công suất 180 MW.
Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, trong đó tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo với thủy điện, điện mặt trời, gió, sẽ đóng góp tỷ trọng trong cơ cấu công suất là 50,3% vào năm 2030, điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp như BCG Energy.
Hiện tại công ty đang khảo sát, tìm kiếm cơ hội phát triển điện gió tại các địa phương ở khu vực miền núi phía bắc như Điện Biên và Yên Bái.
Đối với điện mặt trời áp mái, BCG Energy nhận định còn rất nhiều dư địa và tiềm năng phát triển. Hiện nay, công ty liên doanh của BCG Energy với Tập đoàn năng lượng Singapore Power đang tích cực phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) như KCN Linh Trung, KCN Chân Mây, các trang trại quy mô lớn cũng như các nhà máy sản xuất của Vinamilk…
Bên cạnh đó, công ty năng lượng này có kế hoạch sẽ nghiên cứu mảng điện khí LNG và công nghệ dự trữ điện với mục tiêu đạt được ít nhất 2.000 MW tổng sản lượng phát điện trong danh mục đến năm 2025.
BCG Energy thu về hơn nghìn tỷ đồng năm 2022
Về tình hình kinh doanh, năm 2019 BCG Energy bắt đầu ghi nhận doanh thu từ các dự án năng lượng, nhưng con số chỉ mới hơn trăm triệu đồng, đồng thời ghi nhận lỗ 5,4 tỷ đồng, do giai đoạn này các dự án chưa đi vào vận hành.
Ba năm sau, tức 2022, khi một số dự án đã hòa lưới điện, kết quả doanh thu của BCG Energy khởi sắc với 1.065 tỷ đồng, đóng góp 23,5% vào doanh thu hợp nhất của tập đoàn mẹ. Công ty báo lãi sau thuế hợp nhất 295 tỷ đồng, giảm gần 9% so với năm 2021.
Sang năm 2023, BCG Energy được kỳ vọng mang về 2.996 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 790 tỷ.
BCG Energy huy động vốn từ đâu?
Năng lượng tái tạo vốn dĩ là ngành thâm dụng vốn, tức cần nguồn tiền dồi dào để đầu tư giai đoạn đầu. BCG Energy thời gian qua đã huy động hàng nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu để tài trợ cho các nhà máy điện gió và điện mặt trời.
Theo thống kê của người viết trên chuyên trang trái phiếu của HNX, từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2021, BCG Energy đã phát hành tổng cộng hơn 2.835 tỷ đồng trái phiếu, với kỳ hạn từ 3 đến 7 năm. Lãi suất trung bình khoảng 10% - 11%/năm. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của BCG Energy lên tới 3.086 tỷ đồng.
Năm 2022, thị trường trái phiếu gần như đóng băng, việc huy động vốn vay trở nên khó khăn và kèm theo các quy định ngặt nghèo, buộc BCG Energy phải tìm kiếm nguồn vay khác.
Cuối tháng 4/2022, BCG đã góp thêm 1.025 tỷ đồng vào BCG Energy từ nguồn vốn hợp tác đầu tư với CTCP Tư vấn Thiết kế Xây dựng Tầm nhìn mới. Tháng 12/2022, Hội đồng quản trị BCG đã thông qua việc rót thêm 500 tỷ đồng vào BCG Energy. Tại cuối quý I/2023, tỷ lệ nắm giữ của tập đoàn tại công ty năng lượng này là 82,18%.
Tính tới cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của BCG Energy gần 7.177 tỷ đồng, tăng 57%, tương ứng tăng gần 2.600 tỷ đồng sau một năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,9 lần, tương ứng tổng nợ phải trả của công ty năng lượng này là 13.636 tỷ đồng.
Việc mở rộng danh sách các dự án năng lượng đã giúp tổng tài sản của BCG Energy mở rộng. Tính tới cuối tháng 12/2022, tổng tài sản của công ty này lên tới 20.813 tỷ đồng, so với con số 919 tỷ tại cuối năm 2019.
Diễn biến mới đây nhất, Liên doanh giữa BCG Energy và SP Group được rót 31,5 triệu USD trong gói tín dụng 50 triệu USD từ các ngân hàng quốc tế nhằm phát triển điện mặt trời áp mái. Việc vay vốn bằng USD trong bối cảnh lãi suất trong nước tăng nóng thời gian qua giúp củng cố cơ cấu tài chính, hạ khung lãi suất đầu tư điện mặt trời áp mái giảm xuống đáng kể.
Ngoài ra, tập đoàn còn dự định chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) BCG Energy cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Sau đó sẽ đưa BCG Energy niêm yết trên sàn quốc tế trước năm 2025.
Theo lãnh đạo BCG, mục tiêu này nhằm tìm kiếm các nguồn tài trợ từ nước ngoài sẽ chịu chi phí 7%, rẻ hơn so với khi huy động trong nước là 10,5%. Tuy nhiên, việc IPO tại thị trường trong nước đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ.