Thủ tục đấu thấu làm "tắc" hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 27/2 (lần 2) của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII), Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình cho biết theo luật PPP, bắt đầu từ 2020 trở đi, các dự án đều được thực hiện theo hình thức đấu thầu.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là bên lập dự án đầu tư, lập hồ sơ mời thầu. Quy trình như vậy kéo dài khoảng 3-5 năm. Từ đó đến nay, gần như chưa có dự án BOT nào được triển khai, ngoại trừ một số ít dự án cao tốc Bắc - Nam. Như vậy, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông bị “tắc” trong giai đoạn 2023-2024.
Thông tin mới đối với CII là ban lãnh đạo đầu tháng 2 vừa tiếp xúc với một nhà đầu tư có dự án tương đối khả quan. Cá nhân Tổng Giám đốc Bình “chấm” dự án này đạt 8/10 đến 9/10 điểm nếu so với Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự kiến nếu được triển khai, dự án sẽ đi vào thu phí từ cuối 2024 hoặc đầu 2025. Về mặt địa lý, dự án nằm trên trục đường nối các khu công nghiệp của 5 tỉnh.
CII đã đạt được thỏa thuận cơ bản, khi chính thức sẽ công bố sau, tạm thời chưa tiết lộ. Vấn đề quy mô dự án này hơi nhỏ, ban lãnh đạo đang đề nghị mở rộng hơn.
Trong 2024, CII cho biết sẽ tập trung vào một số dự án lớn. Trong đó, với dự án De Lagi (Bình Thuận), công ty đánh giá tổng quan hiện quỹ đất ven biển từ Hồ Tràm đến Novaworld Phan Thiết gần như không còn. Do vậy, CII dự định nâng cấp dự án De Lagi, cao cấp hơn, song song đó là thi công hạ tầng. Năm 2024 vẫn tiếp tục rót tiền cho dự án này chứ chưa có doanh thu.
Về yếu tố dòng tiền, theo tổng giám đốc, nếu tình hình ổn định như hiện tại, với việc thu tiền đều đặn, CII sẽ có dòng tiền ổn định, đảm bảo trả cổ tức 4% mỗi quý (16% mỗi năm) như đã đề ra.
Nói về câu chuyện đấu giá đất tại Thủ Thiêm, ông Bình cho biết chưa nhận được thông tin gì mới. Sau những sự việc Tân Hoàng Minh, việc đấu giá sẽ cần tính cẩn trọng hơn, thời gian lâu hơn.
Những vướng mắc về đất tại Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết. Ban lãnh đạo khẳng định phần diện tích đất vẫn thuộc sở hữu CII, tuy nhiên đến bao giờ công ty được giao để triển khai dự án nhà ở thương mại vẫn chưa thể trả lời được.
Cổ đông nhà nước phủ quyết ba tờ trình
Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần này (tổ chức lần 2), ghi nhận 111 đại biểu tham dự, sở hữu gần 150 triệu cp, tương đương hơn 47% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Các nội dung trình ĐHĐCĐ bất thường đều được thông qua. Đáng chú ý, cổ đông lớn Công ty Đầu tư Tài chính Nhà Nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) (7,5% vốn) bỏ phiếu không tán thành cả 3 tờ trình.
Thứ nhất là tờ trình điều chỉnh mục đích phát hành và phương án sử dụng vốn tại phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra công chúng Gói 1 đã được ĐHĐCĐ thông qua tại Nghị quyết số 48 ngày 24/5/2023.
Thứ hai là tờ trình thông qua điều chỉnh một số nội dung của phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi Gói 2, cũng đã được ĐHĐCĐ thông qua tại Nghị quyết 48 ngày 24/5/2023. Theo phụ lục phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi Gói 2, tổng khối lượng phát hành là 15,9 triệu trái phiếu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá (100.000 đồng/trái phiếu) đạt 1.592 tỷ đồng.
Tờ trình cuối cùng là các nội dung liên quan đến trái phiếu chuyển đổi lô CIII42013. Trong đó, công ty sẽ không hủy ngang việc tạm dừng thực hiện chuyển đổi trái phiếu CII42013 thành cổ phiếu tại đợt 7 (dự kiến 2/5/2024) và đợt 8 (dự kiến 4/11/2024) theo phương án phát hành tại Nghị quyết 44 ngày 2/6/2020.
Làm rõ về trái phiếu chuyển đổi, Tổng Giám đốc Bình cho biết cổ đông có thể chuyển đổi được trái phiếu thành cổ phiếu, miễn là tròn số trái phiếu. Trái phiếu chuyển đổi xong có thể giao dịch. Tuy nhiên, sau chuyển đổi, nhà đầu tư cần đăng ký tại sở giao dịch chứng khoán, điều này mất khoảng 30-45 ngày.