Bất động sản là một trong những ngành bấp bênh nhất khi nền kinh tế rơi vào vòng xoáy tăng trưởng thấp sau tác động của dịch COVID-19 và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi khi nền kinh tế toàn cầu biến động.
Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022; tương ứng trung bình mỗi tháng có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường.
Số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 10 tháng qua cũng giảm 50,2% so với cùng kỳ. Đa số các doanh nghiệp bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO, thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải chuyển nhượng bớt dự án, cắt giảm 70 - 80% nhân sự…
Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm mạnh, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản càng trở nên chồng chất hơn, đặc biệt là vấn đề tài chính.
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), từ giữa năm 2022 đến nay, hai ngành bất động động sản và xây dựng có mức doanh thu giảm nghiêm trọng nhất trong các ngành. Đến hết quý II/2023, tình hình này vẫn chưa được cải thiện.
Doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần. Cụ thể, số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý I/2023 lên đến 5.662 ngày; cá biệt có doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày, với tiến độ bán hàng như hiện tại, doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng.
Trước tình hình tài chính khó khăn, không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế dường như đang trông chờ nhiều hơn vào sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.
Tăng trưởng tín dụng và tiếp cận vốn tín dụng trở thành một vấn đề được bàn luận sôi nổi trên hầu khắp các diễn đàn, hội nghị lớn từ lớn đến nhỏ. Những tín hiệu mới dạng như nới room, tăng room bất động sản, khơi thông điểm nghẽn tín dụng, tăng trưởng tín dụng khởi sắc... được thị trường đón nhận như một tâm lý tích cực.
Gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản phục hồi; phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững đang trở thành vấn đề bức thiết để tạo ra một lực kéo quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế khi đây là ngành có tác động lan tỏa lớn.