Tài chính

CNN: Mang "niềm tự hào" trải khắp Đông Nam Á - Siêu tham vọng của Bắc Kinh lộ diện

Tham vọng của Trung Quốc

Theo CNN, đó là kịch bản mà Trung Quốc đang vẽ ra cho Đông Nam Á trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Vào năm 2021, tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đã mở cửa đón hành khách, nối trung tâm thương mại Côn Minh (phía tây nam Trung Quốc) với thủ đô Viêng Chăn (Lào).

Hành trình kéo dài khoảng 10 giờ, trải dài khoảng 1.000 km đã thúc đẩy số lượng du khách Trung Quốc tới Lào, đồng thời mang lại lợi ích to lớn cho các nhà cung cấp và doanh nghiệp địa phương ở quốc gia không giáp biển này.

CNN:

Hình ảnh do AI minh họa

Cũng với sự đầu tư của Trung Quốc, chuyến tàu cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á bắt đầu hoạt động ở Indonesia vào tháng 10/2023 sau nhiều năm chậm trễ, kết nối thủ đô Jakarta với Bandung (Tây Java). Đây là một trong những thành phố lớn nhất và là trung tâm văn hóa nghệ thuật quan trọng ở xứ vạn đảo.

Trong khi đó, một dự án đường sắt cao tốc cũng đang được triển khai ở Thái Lan, nhằm kết nối tuyến đường sắt Lào-Trung với Bangkok – nhưng hiện đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ và chi phí xây dựng tăng cao.

Ra mắt theo từng giai đoạn, chính phủ Thái Lan dự kiến toàn bộ dây chuyền sẽ đi vào hoạt động trong năm 2028. Chính phủ Trung Quốc chưa nêu chi tiết về mốc thời gian.

Và khi tuyến đường sắt kết nối ba nước Lào-Trung-Thái hoàn thành, kế hoạch sẽ mở rộng sang miền bắc Malaysia - kết nối thủ đô Kuala Lumpur trước khi kết thúc ở Singapore.

Vào tháng 1/2024, các tập đoàn địa phương và quốc tế đã nộp hồ sơ dự thầu cho dự án này. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản, trong đó có Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, được cho là đã rút lui sau khi quyết định rằng dự án này có quá rủi ro nếu không có sự hỗ trợ tài chính chính thức từ chính phủ Malaysia.

Nhà phân tích xu hướng tiêu dùng và du lịch Gary Bowerman cho biết: "Trung Quốc tự hào có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới và các công ty Trung Quốc từ lâu đã tìm cách bán và xuất khẩu công nghệ cơ sở hạ tầng của họ sang các nước khác".

Ông Bowerman cho biết thêm, Đông Nam Á là sự lựa chọn "hiển nhiên" vì khu vực này "gần Trung Quốc".

"Kết nối các thành phố trong đất liền bằng tàu hỏa trực tiếp tới Lào và các nước Đông Nam Á khác (sau này) sẽ giúp du khách Trung Quốc di chuyển dễ dàng và thuận lợi...".

Sức hấp dẫn của Đông Nam Á

Các chuyên gia cho rằng, sở hữu những ngôi đền cổ ở Lào và những bãi biển hoang sơ ở Thái Lan đến những khu rừng nhiệt đới tươi tốt và các tour du lịch sinh thái ở Malaysia, Đông Nam Á từ lâu đã là một điểm thu hút lớn đối với du khách Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế chính trị tại Đại học Bentley (Mỹ) Pon Souvannaseng, cho rằng, sức hấp dẫn còn nằm ở đặc điểm "nhiều quốc gia Đông Nam Á có chung biên giới và lịch sử lâu đời với Trung Quốc".

"Tất nhiên, Trung Quốc coi Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu trọng điểm cũng như khu vực quan trọng về an ninh....", ông nhận định.

Các chuyên gia cho biết thêm, cộng đồng người Hoa đông đảo ở khu vực cũng là một điểm thu hút lớn.

CNN:

Hình ảnh do AI minh họa

Bowerman cho biết: "Các thành phố như Penang và Malacca (Malaysia) hay Phuket (Thái Lan) với những ngôi chùa và kiến trúc được xây dựng bởi người Hoa rất được du khách Trung Quốc yêu thích vì những liên kết lịch sử và văn hóa của chúng".

Ngoài ra, khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ ngày càng có hứng thú với hình thức du lịch bằng đường sắt.

Pan Wenbo, một nhân viên an ninh 30 tuổi đến từ Bắc Kinh, nói với CNN rằng, việc thực hiện một chuyến hành trình hoành tráng từ Trung Quốc bằng tàu xuyên Đông Nam Á thay vì đi máy bay, sẽ tiết kiệm chi phí và du khách được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp trên đường đi.

Pan đã đến thăm Thái Lan, Singapore, Philippines... trong 5 năm qua và cho biết anh rất muốn khám phá các quốc gia khác trong khu vực.

Sinh viên đại học Mei Wei thì học hỏi các mẹo du lịch và nguồn cảm hứng từ những người có ảnh hưởng nổi tiếng trên các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc.

Nhờ một số video du lịch đã xem trong những tháng gần đây, Wei cho biết cô hiện đang lên kế hoạch cho một chuyến nghỉ hè tới Lào, Thái Lan hay Campuchia, đến thăm những điểm tham quan độc đáo như khu di tích đền Angkor Wat ở Siem Reap.

Cô nói với CNN rằng mình đặc biệt hào hứng với việc đi du lịch bằng đường sắt.

"Tôi không phải là người thích bay. Ở Trung Quốc, tôi thích đi tàu vì có thể ngắm cảnh nhiều hơn trên mặt đất và đi thẳng vào trung tâm thành phố hơn. Điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí so với đi máy bay".

Tuy nhiên, theo CNN, các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư và hỗ trợ cũng đối mặt với một số ý kiến hoài nghi về áp lực tài chính đối với các nước bản địa.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm