Tại buổi ra mắt ngày 28/6 ở Hà Nội, ông Trần Anh Nhân, Giám đốc Công nghệ của VNG Cloud, cho biết mô hình liên vùng vốn phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn thiếu vì "việc đảm bảo được vấn đề băng thông, xử lý và đồng bộ dữ liệu đa vùng là bài toán nan giải".
Hiện nay, doanh nghiệp thường phải thuê dịch vụ cloud trên máy chủ ở từng khu vực. Đánh giá xu hướng chuyển đổi sang điện toán đám mây sẽ tăng trưởng mạnh mẽ những năm tới, khi nhiều doanh nghiệp sử dụng nền tảng quốc tế có xu hướng dịch chuyển về cloud trong nước, ông Nhân cho biết công ty coi việc phát triển hạ tầng liên vùng là một trong những ưu tiên hàng đầu thời gian qua.
"VNG Cloud có thể triển khai được hạ tầng này với băng thông đến 50 Gbps", ông nói.
Băng thông 50 Gbps cho phép sao lưu và đối chiếu dữ liệu nhanh, giảm độ trễ dữ liệu giữa hai vùng Bắc - Nam. Ví dụ, khi có sự cố ở một khu vực, việc phục hồi dữ liệu từ khu vực còn lại có thể diễn ra trong 15 phút. Ngoài ra, giải pháp liên vùng được đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí khi kết nối giữa các khu vực khác nhau, đảm bảo dữ liệu liên thông và sẵn sàng.
Trong khi đó, kết nối trong vùng hiện có thể đạt vài trăm Gbps. "Hệ thống liên vùng sẽ được nâng cấp dần theo giai đoạn để tiệm cận mức vùng", ông Nhân nói.
Theo VNG, hạ tầng được thiết kế theo tiêu chuẩn an toàn dữ liệu quốc tế, đáp ứng quy định về bảo vệ dữ liệu và dữ liệu cá nhân. Về mặt kỹ thuật, hệ thống máy chủ này sử dụng dòng chip mới như chip Intel Platinum Xeon thế hệ thứ ba và AMD Genoa, cùng hệ thống lưu trữ chuyên dụng NVMe có tốc độ xử lý tài nguyên lên đến 60.000 IOPS.
"Doanh nghiệp ở hai vùng có nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ có thể tiếp cận với nguồn tài nguyên tính toán dồi dào, giúp nhanh chóng chuyển đổi số và phát triển kinh doanh đa khu vực", ông Nhân nói.