Năm 2022, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) có hơn 5.700 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp đôi năm trước đó và cao kỷ lục. CII báo lãi sau thuế gần 900 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 240 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao thứ ba trong các năm hoạt động.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm gần hai phần ba, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Năm ngoái, CII bắt đầu giai đoạn bàn giao một dự án căn hộ cao cấp tại khu đất "vàng" Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với giá khởi điểm 100 triệu đồng một m2. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đi vào khai thác một tòa nhà văn phòng cho thuê trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh). Tuy nhiên giá vốn lớn khiến mảng này chỉ mang về 577 tỷ đồng lãi gộp cho CII với biên lợi nhuận 16%.
Thu phí BOT chiếm 25% tổng doanh thu nhưng mang về đến hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Doanh thu thấp hơn nhưng mảng này có biên lãi gộp cao hơn hẳn, khoảng 63%. Trung bình mỗi ngày, công ty có gần 2,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động thu phí giao thông. Năm ngoái, CII khởi động lại việc thu phí dự án BOT Xa lộ Hà Nội và bắt đầu thu phí hoàn vốn dự án cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương. Riêng dự án cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương, bắt đầu thu phí từ đầu tháng 8/2022, doanh thu phát sinh được ghi nhận trong báo cáo tài chính hơn 290 tỷ đồng.
Lãnh đạo CII trước đó cho biết, các dự án BOT Xa lộ Hà Nội và cao ốc văn phòng trên đường Điện Biên Phủ đi vào khai thác đã đem lại dòng tiền lớn cho công ty, giúp cải thiện sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương, theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự án này sẽ giúp củng cố tình hình tài chính trung hạn của CII với tổng dòng tiền hàng năm đạt khoảng 1.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.
Theo ước tính hiện tại của công ty, sau khi hoàn thành việc khai thác hoàn vốn và được chuyển giao cho cơ quan Nhà nước, tổng doanh thu của tất cả dự án BOT đạt gần 65.281 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được CII ưu tiên thực hiện các khoản nộp ngân sách, duy tu sửa chữa các tuyến đường thuộc dự án BOT, chi trả các khoản phí quản lý thu, trả lãi vay ngân hàng, hoàn trả nợ gốc cho các tổ chức tín dụng - ngân hàng và hoàn vốn cho CII cùng các bên tham gia đầu tư.
Ngoài ra, trong năm ngoái, doanh nghiệp này cũng có khoản thu lớn từ hoạt động tài chính. Lãi từ thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư mang về hơn 810 tỷ đồng, tăng hơn 7,6 lần so với cùng kỳ. Trong năm, CII liên tục thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) từ tỷ lệ sở hữu 65,32% hồi đầu năm về 37,52%. Công ty cũng thoái vốn tại Công ty Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII) mà CII sở hữu gần 51% vốn.
Về tình hình vay và nợ thuê tài chính, doanh nghiệp này có tổng cộng hơn 14.580 tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái. Chủ yếu CII vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, trong đó có hơn 3.100 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả trong một năm.
Riêng các doanh nghiệp BOT, lãnh đạo CII từng thông tin rằng đến hết tháng 9/2022, tổng nợ phải trả khoảng 11.567 tỷ đồng. Con số trên bao gồm khoản nợ hơn 4.780 tỷ đồng tại dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thời gian qua, lãi suất biến động mạnh, nhưng công ty cho biết không ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án BOT vì theo hợp đồng đã ký, lãi suất được tính cho dự án là mức lãi thực tế mà các doanh nghiệp dự án đang vay của các tổ chức tín dụng.
"Với dòng tiền thu phí ổn định, đều đặn và tăng trưởng qua mỗi năm, có thể thấy việc đảm bảo thanh toán khoản nợ đến hạn cho các bên tài trợ cũng như việc thu hồi vốn đã đầu tư cho các dự án BOT hoàn toàn khả thi", thông báo của CII nêu rõ.