Kỹ năng sống

Chuyến xe yên lặng cứu khách khỏi những câu hỏi kém duyên, liệu có làm tổn thương tài xế?

Nếu là một tín đồ trung thành của các hãng xe công nghệ, hẳn mỗi người sẽ tích lũy được "kho tàng" riêng với đủ mọi cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố trong các chuyến xe. Tuy nhiên nhìn chung, sẽ chia thành 2 thái cực: Người thì như bạn thân lâu năm của tài xế, nói mãi không hết chuyện, người lại phát bực vì "bác tài" hỏi quá nhiều.

Thế nhưng bạn đã bao giờ gặp một trong các tình huống dưới đây?

1001 câu hỏi "khó đỡ" của tài xế khiến khách hàng muốn xuống xe ngay lập tức

Người xưa hay có câu: "Miếng trầu là đầu câu chuyện" nhưng mà đối với các tài xế xe công nghệ, thì đây mới là câu cửa miệng quen thuộc khi gặp hành khách:

"Anh/em đã có người yêu chưa?"

"Xinh gái/đẹp trai thế này mà chưa tìm được người đưa đón à?"

"Bạn đi ra đây làm gì đấy?"

Đây là số ít những mẫu câu hỏi chung mà khách hàng thường gặp nhất. Trên thực tế, còn có nhiều tình huống "dở khóc dở cười" hơn mà nhiều người đã từng trải nghiệm.

Chuyến xe yên lặng cứu khách khỏi những câu hỏi kém duyên, liệu có làm tổn thương tài xế? - Ảnh 1.

Mỗi lần đi xe công nghệ, hành khách lại có những trải nghiệm khác nhau (Ảnh: Freepik)

"Em học RMIT chắc giàu lắm nhỉ? Em có nghĩ tới chuyện số tiền đi học của em là xây được bao nhiêu trường trên miền núi cho các em nhỏ không?".

Đó là câu hỏi mà một anh tài xế đã đặt cho Linh Ngô - sinh viên năm cuối trường RMIT. Cô nàng chia sẻ: "Hôm đó mình học xong cũng khá mệt, chỉ muốn về nhà thật nhanh nên đã đặt một chuyến xe ôm. Từ trường về nhà cũng khá xa nên chắc để xóa tan bầu không khí im ắng, anh tài xế đã mở lời trò chuyện với mình. Nhưng sau khi nghe anh nói vậy, mình cảm thấy thực sự bị đả kích và khó chịu, chỉ muốn anh ấy im lặng ngay lập tức".

"Người yêu đâu mà để em phải bắt xe về khuya thế này? Con gái mà đi lắm thế làm gì hả em?".

Cô nàng N.N cũng có trải nghiệm không mấy vui vẻ với một số "bác tài" hay chuyện. Không chỉ bị hỏi những câu khá tò mò, thiếu tinh tế, N.N còn vô cùng "đau đầu" khi lên xe ô tô, tài xế bật nhạc xưa phiên bản remix hay những ca khúc sến sẩm nào đó. Mỗi khi như vậy, N.N đều yêu cầu thẳng thắn để tài xế biết mình đang không hài lòng.

"24 tuổi rồi còn chưa có anh nào yêu hả, chắc tiêu chuẩn cao quá đúng không chứ ở quê anh, 24 tuổi sinh 2 đứa rồi đấy".

Kể rõ hơn về trường hợp của mình, Trọng Hoàng chia sẻ: "Mình đi 100 lần, không ai nhận ra mình là con trai. Có mấy lần, các anh còn "đong đưa" khiến mình phải nói: "Em là đàn ông anh ạ". Từ đó, anh tài xế im lặng cả quãng đường luôn". Không những vậy, Trọng Hoàng còn từng bị một tài xế hỏi về chuyện nhạy cảm bằng ngôn từ thô thiển, kém duyên khiến anh chàng quyết định đánh giá 1 sao và báo lên tổng đài.

Chuyến xe yên lặng cứu khách khỏi những câu hỏi kém duyên, liệu có làm tổn thương tài xế? - Ảnh 2.

Trọng Hoàng từng gặp khá nhiều tài xế "kém duyên" khiến anh phải đánh giá chuyến đi 1 sao

Vẫn còn vô vàn những điều dễ thương khiến quãng đường trở nên ngắn lại

Bên cạnh những trải nghiệm không vui thì vẫn còn có những chuyến xe hơn cả mức 5 sao khiến hành khách nhớ mãi. Đó không chỉ là những đánh giá đơn thuần được tạo sẵn như: Dịch vụ tốt, tài xế thân thiện, giỏi tìm đường,... mà nó là vài mẩu chuyện tâm sự, trải lòng, là những sự giúp đỡ của những con người xa lạ với nhau.

Hà Duy kể lại trên trang cá nhân: "21h bắt xe về nhà. Bạn tài xế hết xăng, đi 3 cây đều đóng cửa. Bạn liên tục xin lỗi. Trời đêm rất lạnh, bạn tâm sự rằng vừa đi làm thêm về, 15k/ giờ, tranh thủ chạy cuốc này để có tiền đổ xăng, lát chạy thêm cuốc nữa lấy tiền mai ăn trưa. Rồi bạn bảo ước gì ra trường đi làm có nhiều tiền để mua nhà, ở trọ phòng bé lại nhộn nhạo khổ lắm".

Hay trong một lần khác: "Vừa lên xe, bạn lái xe loay hoay nói em rơi ví rồi, tìm khắp không thấy. Thế là bạn ấy nhờ mình xuống đợi để bạn quay lại tìm, đầu mình vẫn đội mũ của xe bạn. Đứng chờ 30 phút không thấy, mình gọi hỏi bạn ấy nói đang quay lại. Và bạn ấy quay lại chở mình về thật. Bạn ấy bảo ví còn có vài trăm nghìn nhưng có giấy tờ. Mình cũng áy náy vì chắc lúc lấy điện thoại gọi cho mình hỏi địa điểm nên ví rơi ra theo".

Qua những lần như vậy, Hà Duy đều gửi thêm phí như một cách hỗ trợ cho các bạn tài xế. Số tiền có thể không quá to lớn nhưng điều Hà Duy nhận lại là những cái gập người, những lời cảm ơn từ những "bác tài" dễ thương.

Chuyến xe yên lặng cứu khách khỏi những câu hỏi kém duyên, liệu có làm tổn thương tài xế? - Ảnh 3.

Hà Duy lưu giữ khá nhiều những mẩu chuyện dễ thương với các tài xế xe công nghệ

Còn đối với Minh Hằng, một người khá cởi mở trong giao tiếp cũng có những kỉ niệm nhớ mãi với các tài xế: "Có một trời nắng to, anh tài xế xe ôm công nghệ thấy mình mặc áo cộc tay liền lấy luôn chiếc áo chống nắng còn mới nguyên trong cốp xe cho mình mặc. Hay năm 2021 khi mình vào Cần Thơ công tác, bác tài còn chủ động đề nghị chở mình một vòng miễn phí để ngắm các cây cầu nổi tiếng tại thành phố này lúc về đêm. Hoặc khi thấy mình thích một bài hát, một bác tài trẻ tuổi đã bật nguyên playlist các ca khúc tương tự để mình nghe suốt hành trình. Đôi khi có những điều nhỏ thôi nhưng cũng khiến mình thấy vui vẻ".

Minh Hằng cũng cho biết, việc tâm sự với người lạ cũng giúp ích được nhiều trong cuộc sống. Khi gặp được những "bác tài" hay chuyện, họ kể về cuộc đời hoặc cả những câu chuyện phiếm, bàn luận về một vấn đề nào đó cũng khiến chặng đường dài trở nên ngắn lại. Không những vậy, việc mở lòng, giao tiếp qua lại cũng khiến nhiều người có thêm góc nhìn đa chiều về cuộc sống.

Trọng Hoàng - người từng có những câu chuyện "bi hài" kể trên cũng gặp rất nhiều điều dễ thương trong các chuyến đi: "Mình ấn tượng nhất là hôm đó đi mưa, tài xế còn lấy áo mưa bọc túi của mình lại để không bị ướt laptop. 1 cái áo khác bác nhường cho mình mặc còn bác ấy thì dầm mưa. Thực sự vừa thương vừa trân trọng".

"Có lẽ ít ai có trải nghiệm như mình. Hôm đó mình đi chơi về khuya, gọi xe ôm của một anh khá trẻ. Anh này nhặt được một chú chim bị rơi khỏi tổ và còn nhờ mình ngồi sau để ủ ấm cho nó. Đương nhiên trước khi nhờ, anh cũng hỏi ý mình rất lịch sự khiến mình cảm thấy rất thoải mái và cũng ấn tượng về sự tốt bụng của anh ấy", Linh Ngô kể về câu chuyện đáng nhớ của mình.

Chuyến xe yên lặng cứu khách khỏi những câu hỏi kém duyên, liệu có làm tổn thương tài xế? - Ảnh 4.

Minh Hằng rất cởi mở trong giao tiếp, nếu thấy không thoải mái cô sẽ thẳng thắn bày tỏ với lái xe

"Chuyến xe yên lặng" có làm tổn thương tài xế và giao tiếp như nào để không bị kém duyên?

Tất nhiên, trải nghiệm của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến quyết định họ có thích hay không với tính năng "Chuyến xe yên lặng" . Người "ghét cay ghét đắng" các câu hỏi thiếu tinh tế của tài xế thì chắc chắn rằng, họ sẽ ủng hộ tuyệt đối tính năng mới này. Còn những ai thuộc tuýp người quảng giao, thích nói chuyện, họ sẽ phản đối hoặc không sử dụng.

Bên cạnh 2 ý kiến đối lập rõ rệt, phần đông người sử dụng xe công nghệ chọn đứng giữa. Nghĩa là, khi nào họ thấy thoải mái, có hứng thú sẽ trò chuyện còn khi nào cảm thấy không có nhu cầu, chỉ muốn "bình yên" trong mỗi chuyến đi, họ sẽ bật tính năng này hoặc trực tiếp bày tỏ với tài xế.

Hồng Nhung bày tỏ: "Cá nhân mình thấy, giữa người với người sinh ra ngôn ngữ và lời nói để sử dụng. Nếu mình cảm thấy không thoải mái, mình sẽ nói thẳng với tài xế chứ không cần sử dụng đến tính năng này vì mình thấy nó khá nặng nề. Thử cảm tưởng bạn nhận được tin nhắn của một ai đó và yêu cầu: "Tôi muốn yên tĩnh", hẳn bạn cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng lắm đúng không. Vậy nếu là bác tài, bạn cảm thấy sao khi họ là người xởi lởi, tốt bụng lại phải nhận một tin nhắn cụt ngủn thay vì bày tỏ trực tiếp?".

Chuyến xe yên lặng cứu khách khỏi những câu hỏi kém duyên, liệu có làm tổn thương tài xế? - Ảnh 5.

Hồng Nhung cũng cho rằng, nếu không vừa ý hãy trực tiếp yêu cầu thay vì sử dụng tính năng "Chuyến xe yên lặng"

Quan điểm này của Hồng Nhung cũng gần giống với nhiều bạn trẻ khác. "Nếu vui thì chúng ta trò chuyện, không vui thì đi đến nơi an toàn là ổn lắm rồi. Tính năng có vẻ hơi máy móc nhưng đúng là đi nhiều mới hiểu không phải tài xế nào cũng lịch sự và cũng không phải hành khách nào cũng có nhu cầu trò chuyện.

Nhiều bác tài rất duyên, tâm sự chuyện đời, chuyện nghề nhưng cũng có những người cộc cằn, tiêu cực làm mình chỉ biết dạ vâng cho qua chuyện. Nên mình sẽ bật tính năng này vào những ngày mình quá mệt và không muốn giao tiếp với ai", Hà Duy chia sẻ.

Còn về các cách giao tiếp giữa tài xế - khách hàng sao cho khéo léo nhất, các bạn trẻ có chung ý kiến là hãy tôn trọng đối phương. Đối với các "bác tài", nên dành sự lắng nghe, quan sát xem khách hàng có đang thực sự thoải mái với những câu hỏi, lời nói của mình hay không. Và ngược lại, khách hàng cũng không nên quá khắt khe, thẳng thắn bày tỏ mong muốn cá nhân để có một chuyến đi hài lòng nhất.

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm