Tháo gỡ vướng mắc thị trường
Tại buổi toạ đàm "Vận hội mới của thị trường bất động sản " diễn ra ngày 1/8 tại Hà Nội, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực kể từ ngày hôm nay. Nhiều quy định được sửa đổi, ban hành và đi vào thực tế sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn. Ba luật này liên quan mật thiết với nhau và rất quan trọng.
Ngoài 3 luật này còn hệ thống pháp luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch,… Khó khăn chung của thị trường bất động sản (BĐS) không phải tất cả đến từ các quy định pháp luật, chúng ta phải hiểu rõ đâu là khó khăn của pháp luật, đâu là khó khăn từ quy hoạch, khó khăn từ đầu tư,...
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản nằm ở câu chuyện liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư nhà ở thương mại, liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, điều kiện kinh doanh bất động sản thu hồi, điều kiện thị trường bất động sản của các chủ thể tham gia (nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản),…Các nhóm vướng mắc kể trên đều được giải quyết.
Chẳng hạn như khi sửa đổi Luật Nhà ở, những quy định mới được sửa đổi và bổ sung như: Thủ tục trình tự triển khai nhà ở xã hội sẽ được rút gọn, tinh giản hơn. Quy định được hưởng chính sách nhà ở xã hội được đơn giản hoá hơn. Quy định về ưu đãi chủ nhà đầu tư nhà ở xã hội dễ dàng hơn và quy định khác về xác định tính toán giá mua - bán nhà ở xã hội. Tất cả các thay đổi và bổ sung trên sẽ tăng nguồn cung bất động sản và cơ cấu nhà ở xã hội.
Về tác động của 3 Luật mới đến thị trường bất động sản, ông Dũng cho rằng 3 Luật liên quan có nhiều quy định giúp tháo gỡ vướng mắc làm cho nguồn cung sẽ thuận lợi, tăng dần.
Đồng thời, tác động chung của 3 luật này đến thị trường bất động sản là rất lớn. Luật có nhiều quy định mới tạo điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường chung. Chúng ta cần làm rõ thông tin đối với các dự án bất động sản khi đưa vào kinh doanh, đối với nhà ở công trình xây dựng có sẵn hay quyền sử dụng đất các dự án.
"Quan trọng nhất thị trường cần phải được công bố thông tin công khai trên hệ thống thông tin trên website của các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng hay website của doanh nghiệp. Lúc đó, các chủ thể có thể tham khảo, hoạt động của các sàn giao dịch cũng sẽ được minh bạch. Quy định bổ sung công khai thông tin nhà ở, công trình xây dựng, nhờ có hệ thống thông tin nhà ở được công khai, câu chuyện thổi giá, giá ảo sẽ được khắc phục, thông tin sẽ minh bạch giá", ông Dũng cho hay.
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định: Với việc 3 Luật có hiệu lực sớm, hy vọng sẽ tháo gỡ được vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn phải trông chờ các thủ tục hướng dẫn thi hành, thông tư của các bộ.
Đến nay, có 5 Nghị định được ban hành, trong đó bao gồm: Nghị định về hoạt động lấn biển; Nghị định về định giá đất; Nghị định về bồi thường tái định cư; Điều tra đánh giá đất đai . Đây là các nghị định chung, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.Còn 2 nghị định nữa gồm: Thu tiền sử dụng đất; Nghị định về quyết định phát triển đất do Bộ Tài chính soạn thảo, đã trình ký.
Tập trung nguồn vốn cho vay bất động sản
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, hiện nay ngành ngân hàng tập trung nguồn vốn để cung ứng cho vay bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội, cho nên lượng tiền là không thiếu.
Thậm chí, nếu các dự án đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện theo quy định pháp luật thì không thiếu vốn, không phải một vài mà hàng chục ngân hàng sẽ tham gia, đồng thời có chính sách giảm lãi suất. Vấn đề này hiện nay Ngân hàng nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt.
Dự báo thời điểm nguồn vốn sẽ chảy vào địa ốc, theo ông Hùng hiện nay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang kiến nghị với các cấp, các ngành, nhưng vẫn còn khó khăn, điều này hoàn toàn đúng bởi cơ chế vẫn còn vướng mắc và đến nay vẫn chưa sửa được.