Thời sự

Chuyện ly kì về Miếu cây Dầu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong

In dấu phong trào Cần Vương

Cây Dầu đôi này cao khoảng 30m, gốc to đến ba bốn người ôm và cành lá sum xuê tươi tốt. Dưới gốc Dầu, nhiều hàng quán ven đường cùng lữ khách đường xa đi qua được tán lá che nắng che mưa. Theo các vị cao niên ở huyện Diên Khánh, không ai biết rõ cây Dầu đôi bao nhiêu tuổi, nhưng khi xây dựng Thành Diên Khánh vào năm 1793 đã thấy cây Dầu đôi cao lớn vươn mình hiên ngang rồi.

Chuyện ly kì về Miếu cây Dầu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong - 1

Miếu Trịnh Phong (hay còn gọi là Miếu cây Dầu) được tạo dựng từ thập niên 90 của thế kỉ XIX

Từ năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần cho cai cơ Hùng Ngọc Hầu vào khai hoang rừng, mở mang bờ cõi. Khi thấy cây Dầu đôi to lớn vượt trội giữa rừng già, cai cơ hạ lệnh không chặt phá để tạo bóng mát. Trải bao thăng trầm lịch sử, cây Dầu đôi không biết từ bao giờ đã trở thành tên của cả vùng đất này. Ngôi miếu thờ thủ lĩnh Trịnh Phong (người lãnh đạo nghĩa quân Khánh Hòa hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược do vua Hàm Nghi khởi xướng) cạnh đó cũng hay được người dân gọi với cái tên: Miếu cây Dầu.

Chuyện ly kì về Miếu cây Dầu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong - 2

Cây Dầu đôi cao khoảng 30m, gốc to đến ba bốn người ôm không xuể

Ông Nguyễn Đức (thủ từ Miếu cây Dầu) từng nhiều lần được các cao niên trong vùng kể nhiều câu chuyện về phong trào Cần Vương ở huyện Diên Khánh. Ông Đức kể: “Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong là người làng Phú Vinh, nay thuộc xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ nghệ, từng đỗ võ cử dưới triều Tự Đức nhà Nguyễn và làm quan đến chức Đề đốc. Năm 1885, ông Trịnh Phong tham gia hưởng ứng phong trào Cần Vương chống giặc Pháp xâm lược và được nhân dân suy tôn làm Bình Tây Đại tướng quân trực tiếp chỉ huy Quân khu Nam, đóng quân tại Thành cổ Diên Khánh”.

Nhờ có rừng dầu bạt ngàn trong vùng bao bọc, Bình Tây đại tướng Trịnh Phong đã nhiều lần lãnh đạo nhân dân Khánh Hòa mai phục đánh địch, chiếm được thành Diên Khánh. Nhưng do lực lượng quá mỏng, thủ lĩnh Trịnh Phong buộc phải cho quân lui vào vùng rừng Diên Khánh để bảo toàn quân số, sau đó rút quân ra Ninh Hòa (huyện phía Bắc Khánh Hòa) hợp quân với hai thủ lĩnh khác của phong trào Cần Vương Khánh Hòa là Trần Đường và Nguyễn Khanh. “Trước thế mạnh của địch, đại tướng Trịnh Phong bị địch bắt và sát hại, nên phong trào Cần Vương tại Khánh Hòa cũng bị dập tắt từ đó. Để tưởng nhớ người anh hùng này, nhân dân Khánh Hòa đã lập Miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong bên cây Dầu đôi”, ông Đức cho hay.

Chuyện ly kì về Miếu cây Dầu

Vì sao Miếu thờ Đại tướng Trịnh Phong không đặt tại Ninh Hòa - nơi ông bị giặc sát hại, mà lại được lập bên cạnh cây Dầu đôi, đó cũng là một câu chuyện ly kì được nhiều cao niên trong vùng kể lại. Miếu cây Dầu thờ Đại tướng Trịnh Phong được tạo dựng từ thập niên 90 của thế kỉ XIX, lúc đầu chỉ được biết đến là một thảo am nhỏ thờ vong linh của một người xấu số.

Ông Nguyễn Văn Tròn (một vị cao niên trong vùng, thuở nhỏ nghe cha ông kể chuyện về Miếu cây Dầu), cho biết: Vào thời gian Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong bị sát hại, một buổi chiều nọ bà Trần Thị Đãi (ở ấp Phật Tĩnh, làng Phú Ân Nam, xã Diên An) bỗng hốt hoảng vì thấy một túi vải đựng đầu người treo lơ lửng trên một cành cây bên cạnh cây Dầu đôi. Nhân dân chẳng biết đó là ai, nhưng xót thương cho người xấu số nên họ đem đi chôn cất và lập am để thờ.

“Nhân dân trong vùng tin rằng cái đầu trong túi vải kia chính là Đại tướng Trịnh Phong. Từ đó, am nhỏ bên cây Dầu đôi được nhân dân truyền gọi là Miếu Trịnh Phong”, ông Tròn nói.

Một câu chuyện khác không kém phần ly kì mà ngày nay một số cụ già trên 70 tuổi sống ở vùng làng Phú Ân Nam, xã Diên An vẫn hay kể. Vào thời Pháp thuộc, tại Khánh Hòa có Viện Pasteur ở Nha Trang và Viện vaccine tại Suối Dầu (huyện Diên Khánh) để nghiên cứu, chế tạo thuốc. Một ngày nọ, các nhà khoa học đưa chuột bạch thí nghiệm từ huyện Diên Khánh về thành phố Nha Trang nghiên cứu, thì chuột xổng ra ngoài, chạy vào vùng dân cư gây bệnh dịch hạch cho cả vùng. Bệnh lan rộng làm nhiều người chết nhưng không có cách nào chữa trị. Lúc này, nhân dân cử các bô lão lập đàn cúng tế tại cây Dầu đôi và sau một thời gian ngắn thì bệnh dịch hết hẳn. Từ đó, nhân dân làng Phú Ân Nam tin rằng Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong đã hiển linh phù hộ cho dân làng “tai qua nạn khỏi”.

Đó là những câu chuyện ly kì được lưu truyền trong dân gian giải thích về nguồn gốc sự linh thiêng của Miếu thờ Đại tướng Trịnh Phong bên cây Dầu đôi hàng trăm năm tuổi. Cũng có thể nhân dân thông qua những câu chuyện ấy để che giấu chính quyền thực dân Pháp, hợp thức hoá miếu thờ Trịnh Phong để tưởng nhớ người anh hùng này. Trải qua bao thăng trầm, cây Dầu đôi vẫn cứ hiên ngang vươn mình giữa đất trời Diên Khánh như một chứng nhân lịch sử một thời nhân dân ta anh dũng chống giặc ngoại xâm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm