Lượng tiền gửi tăng mạnh
Theo thông tin từ Chính phủ, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế; hoạt động ngân hàng có tính khoa học, tính đại chúng và cũng rất nhạy cảm, tác động lan tỏa, liên quan mật thiết tới tâm lý người dân và các vấn đề xã hội.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; góp phần tham mưu chuyển hướng chính sách kịp thời, từ "chặt chẽ" sang "nới lỏng, linh hoạt".
Giá trị tiền đồng Việt Nam được giữ ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. VND là 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, năm 2023 VND mất giá khoảng 2,9%. Đây là những kết quả tích cực giúp cho nền kinh tế tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao
NHNN đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp, chính sách cụ thể.
Nổi bật là thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất điều hành; quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong quý 4 và cuối năm 2023, đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022.
Năm 2023, bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm mạnh, thậm chí có ngân hàng đưa ra biểu lãi suất thấp chưa từng có nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Lãi suất các ngân hàng hiện ra sao?
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2023, lãi suất giảm khoảng 2%/năm và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất, chi phí để giảm lãi vay trong năm 2024.
Trong báo cáo vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 trong khoảng 4,85% - 5,35%. Lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1%.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động. Trong sáng hôm nay, 9/1, có thêm 2 nhà băng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống chỉ còn 3,2%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 3,2%/năm, trong khi kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 3,4%/năm.
VIB cũng điều chỉnh giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-11 tháng. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn này đồng loạt về mức 4,6%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn 15-18 tháng giữ nguyên mức 5,1%/năm, và kỳ hạn 24-36 tháng vẫn giữ nguyên 5,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn, mức giảm từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm.
Kể từ đầu tháng 1/2024 đến nay, có 23/39 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Mức giảm từ 0,3% đến 0,7% tuỳ kỳ hạn. Duy nhất ngân hàng PGBank tăng lãi suất tiết kiệm tại quầy và online tại các kỳ hạn trung và dài hạn.
Theo số liệu cập nhật đến sáng hôm nay, ngày 9/1, đối với tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất thấp nhất hiện nay là 0,1%/năm. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất là 0,7%/năm được áp dụng tại HDBank.
Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 1 tháng cao nhất thuộc về ngân hàng Viet A Bank là 4,3%, NCB là 4,25%, CBBank 4,2%. Mức huy động tháp nhất là Vietcombank 1,9%.
Ở kỳ hạn 3 tháng, Viet A Bank và CBBank đang đứng đầu bảng với lãi suất 4,3%. Thấp nhất vẫn là Vietcombank 2,2%.
Đối với kỳ hạn 6 và 9 tháng, mức huy động cao nhất thuộc về HDBank 5,5%. Theo sau là NCB với mức lãi suất lần lượt là 5,35% và 5,45%.
HDBank cũng là ngân hàng huy động ở kỳ hạn 12 và 18 tháng cao nhất hệ thống, đạt mức 5,7% và 6,5%.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:
"Không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng, làm sao phát triển hệ thống ngân hàng nhanh, toàn diện, bao trùm bền vững, góp phần quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra".