Có phù hợp?
Phát biểu tại Hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 11/4, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC - cho biết, chuyển giao bắt buộc là một khái niệm đã có trong Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 2017, tuy nhiên cuối năm 2024 mới được áp dụng lần đầu tiên trên thực tế.
Ông Đức cho rằng, pháp luật quy định rõ về việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu cổ phần của cổ đông ngân hàng cổ phần và phần vốn góp của thành viên ngân hàng trách nhiệm hữu hạn.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do báo Tiền Phong tổ chức sáng ngày 11/4. |
Lý do dẫn đến việc ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc là đã có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, tức thị giá cổ phiếu có thể là 0 đồng (tức cổ đông không bán được). Tuy nhiên, về pháp lý, vốn điều lệ không bao giờ là số âm (tức cổ đông phải bỏ thêm tiền ra mới bán được).
Tuy nhiên, xét về nguyên tắc pháp lý cũng như quy định pháp luật về dân sự, đầu tư, doanh nghiệp thì không có việc mua bán hay chuyển nhượng sở hữu pháp nhân ngân hàng mà chỉ có việc mua bán, chuyển nhượng vốn của cổ đông và tài sản của pháp nhân công ty.
Việc, mua bán hay chuyển giao sở hữu công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng trách nhiệm hữu hạn phải là chuyển giao về vốn điều lệ ngân hàng. Như vậy việc mua ngân hàng 0 đồng hay chuyển giao bắt buộc ngân hàng thì đầu tiên và quan trọng nhất là việc định đoạt và thay đổi quyền sở hữu cổ phần của cổ đông ngân hàng hoặc quyền sở hữu phần vốn góp của chủ sở hữu ngân hàng trách nhiệm một thành viên.
Việc chuyển giao mới chỉ tương tự như việc bàn giao tài sản, chứ không phải là hành vi định đoạt tài sản như việc mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế, tiêu huỷ, trưng thu hay tịch thu tài sản. Do Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 chỉ quy định chung chung là chuyển giao bắt buộc, nên đành tạm hiểu đó là chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu, gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền hưởng dụng và quyền định đoạt tài sản, từ chuyển giao giấy phép thành lập và hoạt động; chuyển giao cổ phần; chuyển giao tài sản; chuyển giao thương hiệu; chuyển giao hợp đồng kinh doanh thương mại, dân sự, lao động; chuyển giao quyền đòi nợ; chuyển giao nghĩa vụ dân sự, cho đến chuyển giao cơ hội, khách hàng và những thứ khác.
Trong khi đó, không có bất kỳ quy định nào của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 xử lý quyền sở hữu đã được hiến định của cổ đông. Tức là, chỉ thấy chuyển giao bắt buộc ngân hàng, mà không hề thấy có sự chuyển giao bắt buộc hay tự nguyện nào thông qua việc mua bán, chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, thừa kế, trưng mua, tịch thu cổ phần của cổ đông ngân hàng.
“Việc chuyển giao nói chung, chuyển giao bắt buộc nói riêng không đồng nghĩa với việc định đoạt quyền sở hữu, không phải là một hành vi pháp lý làm thay đổi quyền sở hữu của chủ sở hữu, mà chỉ là một công đoạn để hoàn tất các giao dịch hoặc hành vi định đoạt quyền sở hữu cổ phần, tức chuyển giao quyền sở hữu của chủ thể này cho chủ thể khác”, ông Đức nói.
![]() |
Ông Đức cho rằng, việc chuyển giao nói chung, chuyển giao bắt buộc nói riêng không đồng nghĩa với việc định đoạt quyền sở hữu. |
Vậy khi cổ đông không có bất kỳ hành động pháp lý nào định đoạt quyền sở hữu cổ phần của mình thì luật quy định việc chấm dứt quyền sở hữu của họ trên cơ sở nào? Kể cả trường hợp đại hội đồng cổ đông ngân hàng biểu quyết đồng ý với việc chuyển giao bắt buộc cũng không có giá trị pháp lý.
“Hay nói cách khác, việc chuyển ngân hàng thương mại cổ phần thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là “chủ sở hữu” hay đúng hơn là “đại diện chủ sở hữu” 100% vốn là chưa phù hợp với quy định các luật về dân sự, đầu tư, doanh nghiệp”, ông Đức chia sẻ.
Vì vậy, cần phải phân định lại tư cách tách pháp lý giữa cổ đông ngân hàng với pháp nhân ngân hàng. Không thể quy định điều luật xoá tư cách của của cổ đông, mà phải quy định cơ sở pháp lý dẫn đến hậu quả pháp lý chấm dứt tư cách của cổ đông.
Làm cách nào?
Từ ngày 5/3 đến 7/7/2015, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (G.P Bank).
Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc mua 3 ngân hàng 0 đồng, về bản chất cũng không khác gì việc chuyển giao bắt buộc lần thứ nhất và đã thất bại, do đó đã buộc phải chuyển giao bắt buộc một lần nữa. Vì vậy cần hết sức hạn chế và thận trọng trong việc này, để tránh mất thêm quá nhiều thời gian tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém mà khó lường hiệu quả.
Về khía cạnh pháp lý, dù luật đã quy định cụ thể nhưng vẫn cần đặc biệt cân nhắc trong việc thực thi quyền định đoạt quyền sở hữu. Luật muốn gì, cho gì với cổ đông ngân hàng cũng được, nhưng phải ngoại trừ việc tước bỏ quyền sở hữu cùng với các quyền khác của cổ đông mà không xuất phát từ nền tảng pháp lý và triết lý bảo vệ quyền sở hữu.
![]() |
Theo ông Đức, khi muốn cơ cấu lại ngân hàng cổ phần, thì vẫn có thể giữ nguyên mô hình cổ phần. |
Thay vì chỉ chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần để chuyển thành duy nhất mô hình ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì cần phải tính đến các giải pháp khác, như có thể lựa chọn cách thức, mô hình khác.
Chẳng hạn khi muốn cơ cấu lại ngân hàng cổ phần, thì vẫn có thể giữ nguyên mô hình cổ phần, chỉ cần xử lý để cho một đầu mối sở hữu với tỷ lệ chi phối quyết định 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Khi ấy, cổ đông đó có toàn quyền quyết định mọi vấn đề, từ điều đơn giản nhất đến quan trọng nhất, về số phận pháp lý của ngân hàng như hợp nhất, sáp nhập, giải thế, phá sản.
Luật đã bắt buộc chuyển quyền sở hữu của hàng trăm, hàng nghìn cổ đông cá nhân và pháp nhân cho một pháp nhân thương mại sở hữu 100% vốn điều lệ ngân hàng, thì xử lý tỷ lệ sở hữu thấp hơn càng đơn giản.
“Việc chuyển giao bắt buộc, trước mắt chỉ là để giải cứu khó khăn kéo dài, giải quyết tình thế bi đát, dừng hoãn, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ. Còn định hướng tương lai 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa, để tiến tới cái đích hợp nhất, sáp nhập, hay cần tái cổ phần hoá để tồn tại và phát triển hay giải thể, phá sản chứ không thể giữ cố định mô hình ngân hàng mẹ con một chủ, bắt buộc nhẹ lý, nặng tình?. Tuy vừa mới bắt đầu, nhưng nếu chỉ là giải pháp tình thế, còn tương lai chờ đợi ẩn số bất định thì tốt nhất là không nên tiếp tục chuyển giao bắt buộc ngân hàng”, ông Đức nói.