Thời sự

Chuyên gia Vũ Đình Ánh: Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với "đám sương mù" tiêu cực

Đánh giá về những khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II với chủ đề "Để kinh tế tư nhân thực sự là động quan trọng của nền kinh tế" diễn ra sáng 2/4, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính cho hay, mặc dù chưa phải là "giông bão" nhưng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với “đám sương mù" tiêu cực.

Trong quý 1/2023, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, chỉ cao hơn mức của giai đoạn COVID-19. Đây là những dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại trong khi hiện Việt Nam không chịu bất kỳ cú sốc nào.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả. (Ảnh: DNVN).

Ông Ánh cho rằng, với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nếu tăng trưởng dưới 5% có thể xem là dấu hiệu suy thoái. Có ba chỉ tiêu rất đáng lo ngại, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng gần như chưa bao giờ khu vực công nghiệp lại tăng trưởng âm như quý I vừa qua.

Xuất khẩu suy giảm đến 12%, trong khi trước đó, năm 2021, kinh tế thế giới khó khăn nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng hơn 10%. Và thứ ba là GRDP các tỉnh thành, đầu tàu kinh tế TP HCM, nơi chiếm 1/5 GDP của cả nước cũng chỉ tăng trưởng 0,7%, còn tỉnh trọng điểm công nghiệp như Bắc Ninh lần đầu tiên âm tới 12%.

Theo TS. Vũ Đình Ánh nhưng số liệu này cho thấy "đầu ra" của các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. "Chúng ta đã nói nhiều đến 'đầu vào' của doanh nghiệp như lãi suất, tín dụng nhưng đầu ra của doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn", ông Ánh nói.

Trước đây chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có một triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến hiện nay mới chỉ khoảng 800.000 doanh nghiệp. Đặc biệt, trong quý I năm nay, có một thống kê đáng lo ngại khi cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp được thành lập. 

“Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp biến mất lớn hơn số doanh nghiệp thành lập nên mục tiêu một triệu doanh nghiệp ngày càng xa vời. Trong hai năm tới mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp càng khó khăn hơn, thiếu thực tế”, ông Ánh cho hay.

Cần sự hỗ trợ làm "bệ đỡ" để DN cạnh tranh với quốc tế

Diễnđàn Kinh tế tư nhân lần thứ II do Hội Doanh nhân Tư nhân tổ chức sáng 2/4. (Ảnh: DNVN).

Còn theo Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam còn rất ít, thậm chí thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Theo ông Nghĩa, Việt Nam cũng đang giữ kỷ lục về tỷ trọng đóng góp của FDI trong GDP cao nhất thế giới với trên 20%. Ngoài ra, trong số các nước có thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam thuộc nhóm nước có năng suất lao động thấp nhất và chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng thuộc hàng thấp nhất.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có một số nhân tố tiềm năng phát triển tích cực: tỷ lệ phổ cập giáo dục cao nhất, tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh nhất và chính trị ổn định nhất trong số các nước có cùng trình độ phát triển. Hiện tại, Việt Nam cũng là quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát khá thấp, nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định.

Từ những yếu tố nói trên và trong bối cảnh thế giới đang thay đổi chóng mặt, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có:

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh thông thường mà là siêu cạnh tranh ở cả thị trường thế giới và thị trường nội địa, ở cả khâu chất lượng và giá cả nguyên liệu đầu vào, đóng gói, nhãn mác, vận tải logistics, thương hiệu, kỹ năng marketing cho đến hệ thống phân phối tự chủ và cuối cùng là chinh phục người tiêu dùng.

Đối thủ cạnh tranh có sức mạnh vượt trội không chỉ về tài chính, quản trị và công nghệ, mà còn cả về khả năng ứng phó siêu nhanh với những hỗn loạn trên thị trường.

Vì vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt cần có chiến lược, hỗ trợ cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân. Về lâu dài, theo ông Nghĩa cần có những chính sách thúc đẩy nền sản xuất trong nước. Một điểm mà khu vực ASEAN còn chưa làm được so với khu vực Đông Bắc Á là việc chưa có phong trào sử dụng sản phẩm nội địa, bảo vệ thị trường.

Ở Hàn Quốc, từ quan chức cấp cao đến người dân đều rất chú trọng sử dụng sản phẩm trong nước, họ dùng điện thoại Samsung, TV LG, xe Hyundai. "Họ biết rằng nền công nghiệp trong nước muốn phát triển phải được sự ủng hộ, hỗ trợ từ cả bộ máy quản lý và người dân", ông Nghĩa cho biết.

Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là rất khốc liệt, trong đó bước khởi đầu đều cần sự hỗ trợ của quốc gia, ông Nghĩa cho hay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm