Trong chương trình Kinh tế phục hồi - Cơ hội nào cho nhà đầu tư, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, Nhà điều hành quỹ của VinaCapital cho biết hai yếu tố vĩ mô có tác động lớn đến thị trường chứng khoán cần đặc biệt lưu ý là tỷ giá và lãi suất.
Trong năm 2023, nền kinh tế yếu nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng nhờ yếu tố quan trọng là lãi suất thấp. Sang 6 tháng đầu năm nay lãi suất đã tăng nhẹ, tuy nhiên kênh tiền gửi vẫn chưa thực sự hấp dẫn so với kênh đầu tư chứng khoán, cùng với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi nên thị trường đã tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tăng nhưng có nhiều biến động, nguyên nhân quan trọng là do tỷ giá. Tỷ giá USD/VND đã tăng gần như liên tục từ năm ngoái đến nay do lãi suất ở Mỹ cao và đồng USD mạnh. Có thể thấy mỗi khi tỷ giá USD/VND biến động, thị trường chứng khoán gần như bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Thị trường có nhiều yếu tố hỗ trợ về mặt tăng trưởng bên cạnh thách thức về tỷ giá
Chuyên gia VinaCapital cho biết bức tranh cho năm 2024 có nhiều khác biệt, thậm chí có một số yếu tố đối lập với năm 2023.
Hai yếu tố nền tảng nhất cho tăng trưởng thị trường là tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Ở năm ngoái, hai yếu tố này hoàn toàn không tốt với GDP 2023 của Việt Nam chỉ tăng 5% và lợi nhuận 2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 5%. Sang năm 2024, hai yếu tố này đã trở nên tích cực rõ ràng, GDP đã tăng 6,4% trong nửa đầu năm và VinaCapital dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp năm nay tăng khoảng 21%.
Hai yếu tố chính hỗ trợ cho thị trường chứng khoán năm ngoái là định giá cổ phiếu và lãi suất hiện được đánh giá ở mức trung lập. Định giá cổ phiếu năm 2023 rẻ, hiện tại đã tăng nhưng vẫn chưa đắt và ở mức hợp lý cho đầu tư dài hạn. Lãi suất năm ngoái thấp và là động lực chính cho thị trường đi lên, hiện đã tăng và trong tương lai có thể tăng cao hơn.
"Tuy nhên, với mức lãi suất này, kênh chứng khoán vẫn còn tương đối hấp dẫn so với kênh tiền gửi ngân hàng, do đó VinaCapital đánh giá mức lãi suất hiện tại vẫn đang hỗ trợ cho tăng trưởng thị trường chứng khoán", chuyên gia VinaCapital nhận định.
Về tỷ giá USD/VND, đây là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong hơn một năm qua. Về mặt điều hành chính sách trong bối cảnh lãi suất ở Mỹ cao, việc Việt Nam đồng thời giữ lãi suất và tỷ giá ổn định là điều tương đối bất khả thi. Tuy nhiên, nhìn về cuối năm 2024, trong khoảng ba tháng nữa, VinaCapital kỳ vọng yếu tố lãi suất này có thể chuyển thành trung tính do áp lực của tỷ giá sẽ giảm về cuối năm với kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Về mặt chính sách hỗ trợ, có thể thấy chính sách của Nhà nước vẫn hoàn toàn hỗ trợ cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp trong vòng hai năm qua, như việc giảm lãi suất, tháo gỡ thủ tục cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế cũng như việc tăng lương.
Ba yếu tố thu hút khối ngoại quay trở lại thị trường
Về việc khối ngoại liên tục bán ròng trong khoảng hơn một năm vừa qua với con số bán ròng lên đến mức kỷ lục, chuyên gia VinaCapital cho biết nguyên nhân chủ yếu là do Fed đã duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian dài, do đó dòng tiền có xu hướng chuyển về Mỹ để hưởng mức lãi suất cao hơn và ít rủi ro hơn.
Ngoài ra, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn cũng thu hút những dòng tiền về những thị trường chứng khoán như Mỹ, Đài Loan hay Hàn Quốc – những thị trường có nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực này.
Tuy nhiên, VinaCapital nhận thấy một số yếu tố trong thời gian tới có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng; nhiều dự báo cho thấy Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong thời gian tới; và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được mục tiêu nâng hạng sắp tới.