Tài chính

Chuyên gia: Tỷ giá sẽ tăng trong tầm kiểm soát trước những cú sốc bên ngoài

Đồng USD leo lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đang gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tỷ giá VND/USD tự do đã có lúc bật tăng lên 24.700 sau đó đảo chiều giảm nhẹ trong vài ngày trở lại đây. 

Dù tình hình có phần "hạ nhiệt", giới phân tích cho rằng tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới nhất là khi thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) vẫn còn nhiều biến chuyển.

Tỷ giá USD tăng cao trong 6 tháng đầu năm

Chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất trong 20 năm. (Nguồn: Bloomberg, VNDirect). 

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán SSI nhận định mặc dù dự trữ ngoại hối vẫn tương đối dồi dào nhằm có thể giúp ổn định thị trường trong bối cảnh cầu ngoại tệ tăng cao, áp lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ngày càng rõ rệt hơn, đặc biệt khi vẫn chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Fed. Tỷ giá USD/VND vẫn chịu nhiều áp lực trong thời gian tới. 

Bà Lê Hạnh Quyên, Chuyên gia phân tích vĩ mô và ngân hàng Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho rằng áp lực trong ngắn hạn là việc Fed sẽ tăng lãi suất trong cuối tháng này với mức tăng dự báo khoảng 0,75-1%.

Tỷ giá năm 2022 tăng trong tầm kiểm soát 

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá tăng lên song vẫn trong tiên lượng và tầm kiểm soát. Theo đó, tỷ giá có thời điểm biến động mạnh, chủ yếu do đồng USD lên giá, đặc biệt là kể từ tháng 5/2022 khi Fed liên tiếp nâng lãi suất cơ bản, hiện đang ở mức 1,5- 1,75% nhằm kiểm soát lạm phát cao.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: VGP). 

Tuy nhiên, ông dự báo tỷ giá trong nửa cuối năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát (ở mức khoảng 2,3-2,5%), nhờ mức tăng của đồng USD thời gian tới dự báo không còn quá mạnh như 6 tháng qua.

Cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ tích cực: cán cân thương mại dự báo thặng dư 4-8 tỷ USD trong năm 2022 và dự trữ ngoại hối khá dồi dào, trên 100 tỷ USD. NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định thị trường. 

Cùng quan điểm, bà Lê Hạnh Quyên cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên khoảng 2-2,5% trong năm 2022 nhờ hoạt động xuất khẩu tích cực và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.

Cụ thể hơn, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 tăng cả về lượng và giá ở các mặt hàng chủ lực, do đó KBSV cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng lực đẩy từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các tháng tới để mang về nguồn ngoại tệ lớn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD đánh giá Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối, do đó đại diện KB Việt Nam kỳ vọng kiều hối về Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 5-7% trong năm 2022. 

Ngoài ra, dòng vốn FDI giải ngân được dự báo chảy về ổn định, khi niềm tin nhà đầu tư được cải thiện do Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế.

Trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời hai công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá trước những cú sốc bên ngoài như lạm phát neo cao khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed, bà Quyên cho hay.

 Nguồn: Bloomberg, World bank, IMF, SBV, BVSC tổng hợp.

Áp lực tỷ giá sẽ không kéo dài

Chia sẻ tại "Talkshow Chọn Danh mục: Khơi dòng vốn sản xuất, kinh doanh", Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng áp lực tỷ giá sẽ không chịu áp lực nóng trong giai đoạn tới và kỳ vọng sẽ sớm hạ nhiệt trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

CTCP Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND sẽ chậm lại vào nửa cuối năm 2022. Một số yếu tố hỗ trợ tiền đồng trong nửa cuối năm 2022 mà VNDirect đưa ra bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cao (tương đương 3,5-4 tháng nhập khẩu). 

Về tác động tới hoạt động của khối ngoại, ông Thế Minh cho biết tình hình tỷ giá vừa qua ít nhiều tác động tới chiến lược giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Có thể thấy, từ đầu tháng 4 khi thị trường chứng khoán lao dốc thì nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái mua vào.

Đến thời điểm đầu tháng 7, thời điểm tỷ giá tăng, họ có khuynh hướng bán ròng, đặc biệt biến động ở Chứng chỉ quỹ ETF. Như vậy, mức tăng tỷ giá trong thời gian vừa qua cũng ít nhiều tác động đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong lịch sử, diễn biến này luôn diễn ra và tỷ giá có tác động rõ ràng tưới động thái của nhà đầu tư nước ngoài, ông Minh cho rằng áp lực này sẽ không kéo dài.

Nhìn lại khoảng thời gian từ 2020-2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam lớn, đến cuối 2021 tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở mức dưới 16% trên thị trường cổ phiếu.Rõ ràng, đây là tỷ lệ thấp, còn trong thời gian gần đây, họ không rút hoàn toàn mà bán ròng trên thị trường cổ phiếu và dịch sang kênh đầu tư khá, ông Minh cho hay.

Năm 2022 cơ hội định giá hấp dẫn, PE thấp, ông Minh kì vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng dần tỷ trọng thời gian tới. Với sự ổn định của dòng VND, nhà đầu tư nước ngoài sẽ vẫn tìm cơ hội đê giải ngân vào từng nhóm cổ phiếu triển vọng. Do đó, việc  bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài là không đáng ngại.

Cũng theo ông Minh dù tỷ giá tăng, nhưng đối với doanh nghiệp vay euro hay yen thì sự tác động là ít, rủi ro đối với doanh nghiệp vay USD sẽ nhiều hơn.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm