Trong đầu tư chứng khoán, việc phân tích trước khi đưa ra quyết định đầu tư là rất quan trọng. Một trong những chìa khóa để đầu tư thành công là áp dụng phương pháp phân tích phù hợp với chiến lược đầu tư đã đề ra.
Hiện nay, phương pháp đầu tư từ trên xuống (top-down) và từ dưới lên (bottom-up) là hai phương pháp phân tích phổ biến được nhiều nhà đầu tư áp dụng để ra quyết định đầu tư.
Về cơ bản, đầu tư theo trường phái top-down là phương pháp phân tích bắt đầu từ việc xem xét tình hình kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam rồi đi sâu vào các nhóm ngành và từ nhóm ngành ta chọn những cổ phiếu chất lượng nhất trong nhóm ngành đó.
Chia sẻ trong chương trình "Bí mật đồng tiền" của VTV Digital, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cho biết khi nghiên cứu theo kiểu top-down, các nghiên cứu vĩ mô để đầu tư thường chỉ liên quan đến chu kỳ kinh tế cũng như chu kỳ kinh doanh để xem chúng ta đang ở đâu, sắp đi đến đâu.
"Dĩ nhiên việc nghiên cứu là rất khó và mất nhiều thời gian cho nên nếu bạn muốn có một con đường tắt ngắn hơn, trong mọi trường hợp chúng ta cần những chỉ số mang tính chất dự báo, mang tính leading indicator.
Chỉ báo nhanh hay chỉ báo sớm tốt hơn so với những chỉ báo thể hiện một sự kiện đã xảy ra rồi, điển hình như chỉ tiêu GDP. Khi số GDP được tính toán ra, nếu nó thể hiện sự suy giảm thì thực tế kinh tế đã yếu đi và ngược lại, cho nên hầu như con số này không mang nhiều ý nghĩa", ông Hưng cho hay.
Theo Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI, trên thế giới GDP của Mỹ thường được để ý tới, nếu nhanh nhẹn các nhà đầu tư có thể nhìn vào GDPNow của Atlanta.
Đường màu xanh đang ở phía dưới, đi xuống thể hiện rằng sau hai quý giảm, tình hình vẫn có thể xấu hơn trong quý III. Những công cụ như thế này là những thứ có thể giúp nhà đầu tư có được những chỉ báo sớm.
Nhưng đến khi GDP của Mỹ đi xuống trong 2 quý mà mọi người vẫn còn phân vân về dấu hiệu của suy thoái thì lúc này chúng ta phải nhìn thêm một chỉ số nữa là Leading Indicator của The Conference Board.
Trong những năm kinh tế Mỹ suy thoái, bằng đường màu ghi như trên là chỉ số Leading Indicator được tổng hợp từ rất nhiều các chỉ số tính trước và khi nó quay đầu giảm, chỉ báo này cho người xem khá nhiều thời gian trước khi kinh tế Mỹ suy thoái thực sự.
Các kỳ trước khi nó quay đầu giảm thì chỉ khoảng mấy tháng sau có thể thấy kinh tế Mỹ suy thoái. Do vậy lần này các chỉ số cũng đang tương đối xấu đi và cho chúng ta thấy tương lai phía trước khá là rủi ro, kịch bản suy thoái là có thế xảy ra.
Bây giờ khủng hoảng có thể là không xảy ra nhưng suy thoái ngắn để lại rủi ro là vẫn còn và những chỉ số này có thể đang chỉ ra điều đó.
Ông Hưng đánh giá các công cụ này cũng khá dễ xem, chúng ta không cần phải đọc gì cả. Cứ một tháng một lần báo cáo sẽ đưa ra chỉ số này và chúng ta quan sát xem nó di chuyển về hướng nào để có được dự đoán cho tương lai.
Trên thực tế, các nhà đầu tư mới ưa thích phân tích kỹ thuật một chút cũng có thể thử sức với trường phái bottom-up – đi từ phía dưới đi lên. Trong công cụ Abbott cũng đã có phần bộ lọc cổ phiếu cho các nhà đầu tư những tiêu chí cơ bản như kỹ thuật, khối lượng để họ có thể tìm được những mã cổ phiếu của mình.
Theo đánh giá của ông Tô Sơn Nam, Chuyên gia ETF Công ty Quản lý Quỹ (SSIAM) các nhà đầu tư mới, nên sử dụng trước hết là một bộ lọc và theo dõi những chỉ số hết sức cơ bản. Sau đó bước tiếp theo là đi sâu tìm hiểu vào từng doanh mục đầu tư của mình.
Cần nói thêm rằng các bộ lọc chỉ đưa ra một danh sách điều kiện cơ bản và tiêu chuẩn nhất. Còn những chỉ số phức tạp thì các nhà đầu tư cần phải nghiên cứu rất sâu mới có thể tìm ra được những tiêu chí phù hợp.