Tại "Diễn đàn Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV" diễn ra sáng 15/3, các chuyên gia đã nêu góc nhìn về việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội đang tồn tại vấn đề là chưa thiết kế trên tư duy cho thuê. Đơn cử như ở Đức chỉ hỗ trợ thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà. Chuyên gia cho rằng nên quy định đối với loại hình này là 100% cho thuê, thay vì chỉ cho phép dành 20% diện tích sàn để cho thuê.
Ngoài ra, theo vị này, hiện chưa có thống kê đối tượng được mua nhà ở xã hội. "Chúng ta bán nhà cho ai? Thu nhập thực tế của họ bao nhiêu, phân phối thu nhập và khả năng chi trả của họ như thế nào?", chuyên gia đặt vấn đề.
Ông Ánh cho rằng nếu không nghiên cứu kỹ sẽ rất dễ gặp hệ lụy, nhà ở bán không đến được đúng đối tượng. Trong khi đó, nhiều đối tượng không có khả năng mua.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội.
"Tôi nghĩ nên theo hướng xây lên cho thuê thay vì mua bán do sẽ khó đảm bảo nhu cầu bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn. Ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính của đất nước này", chuyên gia cho hay.
Vị này phân tích thêm, việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng cho thuê lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở.
"Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Trong dân còn nhiều tiền, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở. Một số nước tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê bằng cách thông qua các Quỹ tín thác bất động sản (REIT). Khi đầu tư vào kênh này, tài sản của người dân vẫn còn, lợi nhuận có thể thấp hơn một chút nhưng an toàn, bền vững", ông Hà nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đối với việc phát triển nhà ở xã hội, tôi cho rằng không nên có cách tiếp cận theo hướng "ta chỉ nên", "ta chỉ làm". Mà nên tiếp cận theo nhiều cách, nhiều góc độ để miễn sao kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân.
"Tôi đồng ý với ý kiến của một số chuyên gia là nên cho thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh thuê thì cũng nên cho phép mua bán để ai có đủ năng lực mua thì mua, ai không đủ thì thuê", vị này nói.
Về việc tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất, chuyên gia cho rằng nên tiếp cận theo nhiều cách. Riêng vấn đề đất ở và đất khác, Luật đã quy định và đã được thông qua, do đó không thể thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang xây dựng một Nghị quyết thí điểm tiếp cận các quỹ đất khác ngoài đất ở để phát triển nhà ở thương mại, nếu thí điểm tốt thì sẽ thực hiện.
Tiếp cận đất đai trong Luật Đất đai có hai cách là Nhà nước đứng ra thu hồi hoặc tự nhà đầu tư tìm kiếm và thu mua. Vì vậy, theo ông Hiếu, để có quỹ đất cho nhà ở xã hội thì theo cách tiếp cận số một là Nhà nước đứng ra thu hồi. Đây là điểm có lợi thế của nhà ở xã hội hơn so với nhà ở thương mại.
Ngoài ra theo ông Hiếu, còn một quỹ đất nữa đó là quỹ đất vùng phụ cận. Khi xây dựng được các vùng phụ cận có hạ tầng giao thông kết nối thì Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Nguồn tiềm năng thứ 3 đó là Nhà nước sẽ cải tạo nhà ở chung cư cũ.
"Tôi đồng ý với quan điểm, chúng ta cần thay đổi nhận thức về nhà ở xã hội", chuyên gia nhấn mạnh.