Thời sự

Chuyên gia: Lạm phát 2023 có thể đạt đỉnh, tăng lương, tăng giá điện cũng có tác động

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, lạm phát chỉ tăng 3,15%, nguyên nhân là do mặc dù CPI bình quân năm 2022 tăng của một số mặt hàng nguyên liệu tăng so với năm trước như: Giá xăng dầu trong nước tăng 28,01%; giá gạo tăng 1,22%; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,62%; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11%,..song giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước; giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước; giá bưu chính viễn thông giảm 0,37%.   

Theo các chuyên gia mức lạm phát 3,15% trong năm 2022 là một kết quả rất lạc quan, tuy nhiên, áp lực năm 2023 sẽ còn lớn hơn rất nhiều bởi độ trễ và tác động của tỷ giá. Vì vậy, nhiều khả năng 2023 sẽ là năm lạm phát của Việt Nam đạt đỉnh.

 

Lạm phát có thể đạt đỉnh năm 2023

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với người viết, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức độ cao hơn một chút so với năm ngoái.

"Lý do chính là vì chúng ta có độ trễ, nhập khẩu nhiều, tác động vòng 2, vòng 3 của hàng nhập khẩu đến lạm phát tiêu dùng cũng chậm hơn", ông Lực nói.Theo đó, các yếu tố xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào làm tăng lạm phát ở vòng 1, đến vòng 2, vòng 3 là tác động lên lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng. 

"Năm 2023, chúng ta cũng thuộc lộ trình bắt buộc phải tăng một số giá hàng hoá cơ bản như: Lương cơ bản và cũng đang cân nhắc để tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục là những dịch vụ thiết yếu cũng buộc phải tăng", TS. Lực chỉ ra.

Vừa rồi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất Chính phủ tăng giá điện và việc lương cơ bản tăng hơn 20% vào tháng 7/2023 sẽ là những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát năm tới.

Thêm nữa, độ trễ của lượng cung tiền trong những tháng cuối năm nay và trong năm tới vẫn khá chậm. TS. Lực kỳ  vọng rằng, trong những tháng tới, vòng quay tiền sẽ ở mức độ nhanh hơn và như vậy áp lực lạm phát sẽ cao hơn, dự báo ở mức 4-4,5%. 

Một yếu tố nữa là tỷ giá tăng ở quý IV/2022 cũng sẽ tác động đến lạm phát khi giá hàng hoá nhập khẩu tăng lên do tỷ giá. Mặc dù kết thúc năm 2022 tỷ giá VND/USD chỉ tăng 3,9% song năm tới, nếu diễn biến tỷ giá phức tạp có thể gây áp lực không nhỏ đến lạm phát.

 

TS. Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia kinh tế tại ĐH Bristol (Vương quốc Anh). Ảnh: (VWA).

Chia sẻ trên Báo Pháp luật TP.HCM, TS. Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia kinh tế tại ĐH Bristol (Vương quốc Anh) cũng cho rằng, lạm phát liên quan nguồn cung như năng lượng và lương thực nên không có nhiều giải pháp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, có khả năng đẩy Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn vào suy thoái mà lạm phát ở Mỹ chỉ giảm nhẹ về dưới 8%. 

Để khống chế lạm phát tăng nhanh và phần nào chạy nước rút để bắt kịp lạm phát do chậm trễ tăng lãi suất, Fed đã liên tục có “bước nhảy” rất lớn về lãi suất điều hành, từ mức tăng 0,5%/năm một đợt rồi 0,75%/năm một đợt. Độ dốc của đợt tăng lãi suất lần này của Fed là chưa từng có kể từ thập niên 1980 đến nay. Trong vòng chưa đầy 10 tháng, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã hoàn thành mức tăng lãi suất mà trong những chu kỳ trước đó cần 2 - 4 năm.

Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng có (Nguồn: Đức Quyền tổng hợp số liệu từ Fed St.Louis, Hội đồng Fed).

 

Điều đó cho thấy không có nhiều giải pháp mà các chính sách đánh vào tổng cầu có thể thực hiện. Ngoài ra, về yếu tố cung, cũng không có nhiều thứ mà Việt Nam có thể làm, vì vậy phải trông cậy vào các quốc gia nắm các nguồn cung ứng chính như Mỹ, châu Âu và hy vọng mới nhất chính là thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.

TS. Hồ Quốc Tuấn cũng chỉ ra rằng, một rủi ro nhiều nhà phân tích đang lưu ý là nếu Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự đoán và có tâm lý “mua sắm trả thù” khi mở cửa lại nền kinh tế thì có thể đẩy lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, khả năng tiến trình mở cửa sẽ không thể nhanh được, do đó khả năng nhu cầu bùng nổ ở Trung Quốc không phải là kịch bản chính lúc này.

Khả năng cao là Việt Nam sẽ vẫn có thể khống chế được lạm phát vào dịp cuối năm 2023. Nhưng trong những quý đầu năm có thể có những áp lực khó tránh và không có nhiều thứ chính sách vĩ mô có thể làm ngoại trừ chờ đợi, TS. Tuấn cho biết.

"Đôi khi không đưa ra những chính sách phản ứng vội vã, thiếu kiên nhẫn, ngồi yên chờ đợi đã là một chính sách tốt", TS. Hồ Quốc Tuấn nhìn nhận.

Chính sách tiền tệ ưu tiên đảm bảo thanh khoản, kiểm soát lạm phát

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 3/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng nhận định: Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa mới nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn.

Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.

Do đó, NHNN sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

Cùng với đó, NHNN sẽ điều hành tín dụng phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. 

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp các bộ, ngành để tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường.

"Chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Chính sách này ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải bảo đảm an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm