Sáng 24-8, phát biểu tại hội thảo khoa học tham vấn định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2026-2030, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng Việt Nam phải thoát bẫy thu nhập trung bình trong 10 năm tới, nếu không sẽ không còn cơ hội. Và TP.HCM phải đi đầu trong việc này.
TP.HCM tìm giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình
Ông Mãi đề nghị các chuyên gia dựa theo các nhóm nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao cho TP.HCM tại nghị quyết 31 để hiến kế những phương hướng, nhiệm vụ. Từ đó TP.HCM sẽ đưa ra các giải pháp hóa giải thách thức trong tăng trưởng, không đề ra những mục tiêu an toàn rồi cứ luẩn quẩn.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết theo nhận định của nhiều tổ chức, Việt Nam có 10 năm để thoát ra bẫy thu nhập trung bình. Về việc này, TP.HCM phải là địa phương đi đầu và cùng cả nước thoát bẫy thu nhập trung bình.
"Theo đánh giá, nếu 10 năm nữa TP.HCM không thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thì rất khó có cơ hội lần nữa", ông Mãi nói.
Để làm được điều này, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng TP phải kiên trì mục tiêu tăng trưởng bình quân 9% giai đoạn 2025-2030. Những giải pháp được ông đưa ra như huy động vốn đầu tư toàn xã hội, tăng cường khả năng hấp thụ vốn, tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ...
Theo nghị quyết 31, mục tiêu đến năm 2030, tăng trưởng bình quân của TP.HCM phải đạt khoảng 8-8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Nêu ý kiến tại hội thảo, TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - đánh giá TP.HCM vẫn chưa tạo được sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tham gia vào công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và ngành công nghiệp chưa tạo được sự khác biệt về năng suất, hàm lượng công nghệ trong cơ cấu giá trị còn thấp.
Thời gian qua TP.HCM vẫn nỗ lực giải quyết những dự án, công trình tồn tại nhiều năm, nhưng phần lớn là vướng mắc về pháp lý nên kết quả còn hạn chế, gây lãng phí nguồn lực...
Ông Trần Du Lịch cho rằng TP phấn đấu đạt tăng trưởng 7,8% năm 2024 và 8,5% năm 2025. Giai đoạn 2026-2030 phải tăng mạnh đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân, phấn đấu đạt tổng đầu tư xã hội đạt 35% GRDP. Năng suất lao động phải tăng 7-8%/năm trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, TP cần tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi công nghiệp để tạo được sự đột biến về năng suất lao động…
Thu hút vốn đầu tư xã hội rất quan trọng
Còn theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, những năm gần đây lao động TP.HCM có tăng nhưng năng suất lao động lại có xu hướng giảm.
"Có cảm giác năng suất lao động đang bão hòa nếu không có động lực mạnh. Nếu muốn vượt bẫy thu nhập trung bình thì phải tăng năng suất lao động", ông Hoàng nói.
Cục trưởng Cục Thống kê TP cho rằng nếu chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành với nhau sẽ không còn hiệu quả, nên khuyến khích chuyển dịch kinh tế trong nội bộ ngành.
Bên cạnh đó, hiệu quả vốn đầu tư đang có xu hướng giảm. Nếu giai đoạn 2011-2015, 1 đồng giải ngân vốn đầu tư công có thể thu hút đầu tư ngoài nhà nước khoảng 6-7 đồng thì giai đoạn này chỉ khoảng 5 đồng. Ông Hoàng cho rằng cần đánh giá lại tính hiệu quả của vốn đầu tư hiện nay, vì việc này là một trong những nguyên nhân kéo giảm thu nhập bình quân đầu người của TP.
Ông Hoàng đề nghị TP.HCM nghiên cứu tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp, phát triển TP.HCM thành các trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục của cả nước và khu vực.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư xã hội của TP.HCM là 1,1 triệu tỉ đồng, bình quân mỗi năm là 238.000 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2016-2020 vốn đầu tư xã hội là 1,9 triệu tỉ, bình quân mỗi năm là 390.000 tỉ đồng. Nhưng 3 năm qua, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 335.000 tỉ đồng.
"Vốn đầu tư là đòn bẩy, quyết định đến 40% tăng trưởng. Nếu vốn giảm nhưng GRDP vẫn tăng thì hiệu quả sử dụng vốn rất tốt. Nhưng vấn đề ở đây là giảm vốn nhưng tăng trưởng không bằng các năm thì phải xem xét lại tính hiệu quả. Giải pháp tăng vốn đầu tư xã hội là rất quan trọng", ông Ngân nói.
Bên cạnh đó, ông Ngân cho rằng từ nay đến hết năm 2025, TP.HCM phải cố gắng tiêu dùng 170.000 tỉ đồng đầu tư công để kích thích vốn đầu tư xã hội. Nếu giải ngân được hết sẽ tạo ra kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, làm bệ phóng cho tăng trưởng.
TP.HCM cần thu hút 4,4 triệu tỉ đồng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2026-2030
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng để đạt được mục tiêu trưởng đến năm 2030 đạt 8,5-9% thì giai đoạn 2026-2030 TP.HCM cần 4,4 triệu tỉ đồng đầu tư toàn xã hội. Như vậy mỗi năm TP.HCM cần khoảng 800.000 - 900.000 tỉ đồng.
Ông Mãi cho rằng TP.HCM hoàn toàn có khả năng để thực hiện nhưng vấn đề cốt lõi là phải xác định được nguồn từ đầu và có cơ chế chính sách để thu hút được nguồn lực xã hội. Ông Mãi đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và các sở ngành nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực.