Chia sẻ về vấn đề lạm phát năm nay, Tiến sĩ kinh tế Ngô Ngọc Quang (Giảng viên ĐH Ngoại Thương) cho biết nhà đầu tư trước tiên cần phải hiểu rõ bản chất của lạm phát. Theo đó, tăng trưởng kinh tế thường sẽ đi kèm với lạm phát. Nếu lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát thì điều đó là không quá đáng lo lắng.
Tuy nhiên, trong trường hợp lạm phát nhưng lại không đi kèm với tăng trưởng kinh tế (giảm phát), tình trạng sẽ còn nguy hiểm hơn cả lạm phát tăng. Như trường hợp "thập kỷ mất mát của Nhật Bản" là một ví dụ kinh điển cho thấy hệ quả của giảm phát.
Xác định nguồn gốc của lạm phát hiện tại, theo TS. Ngô Ngọc Quang, áp lực lạm phát hiện nay đến từ chi phí đẩy. Nguyên nhân đến từ giá xăng dầu tăng cao và mặt hàng nhiên liệu lại có mức lan tỏa chi phí rất lớn trong nền kinh tế.
Mặc dù phải chịu áp lực từ giá dầu nhưng không vì thế mà Việt Nam không có mặt tích cực. Tỷ giá đang được giữ ổn định là một điểm sáng của nền kinh tế. Kết quả này đến từ lớp dự trữ ngoại hối cao và thặng dư thương mại trong nhiều năm qua. Với tỷ giá ổn định, Việt Nam có thể sẽ tránh được việc nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài.
Tỷ giá VND/USD khá ổn định trong một thời gian dài
Bên cạnh đó, câu chuyện lạm phát là tốt hay xấu cũng sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ. "Nếu năm nay chính phủ kiểm soát lạm phát tốt dưới mức 4% thì tôi cho rằng sẽ tốt cho cả nền kinh tế" - ông Quang nói.
Việc phân bổ tiền vào lớp tài sản như gửi tiết kiệm, mua vàng, hay đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán, theo vị chuyên gia, cũng sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô.
Như giai đoạn năm 2011- 2012, khi tiền Việt Nam bị mất giá, lạm phát trên 20% và lãi suất huy động trên 20%, bất động sản và chứng khoán không phải là kênh đầu tư tốt. Dòng tiền khi đó sẽ tìm đến lớp tài sản trú ẩn an toàn như vàng, hoặc gửi tiết kiệm.
Còn ở giai đoạn hiện tại tỷ giá ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát và triển vọng kinh tế phục hồi tăng trưởng trở lại, chứng khoán và bất động sản vẫn là 2 kênh đầu tư thích hợp.
Kết quả so sánh lạm phát năm 2011 và năm 2022