Người đàn ông 51 tuổi này được đào tạo để hiểu rõ về những biểu hiện vi mô trên khuôn mặt, phát hiện sự lừa dối, hành vi gây ảnh hưởng cũng như phân tích lời nói. Ông khẳng định không điều gì có thể che giấu được việc nói dối.
Scott cho biết, con người chớp mắt 12 đến 14 lần mỗi phút và những người bị căng thẳng và buộc phải nói dối tốc độ chớp mắt của họ tăng đột biến.
Một nghiên cứu cho thấy trong khi nói dối, người ta có thể chớp mắt ít hơn, nhưng lập tức chớp mắt nhiều hơn ngay sau đó để bù trừ. Vì vậy, ngay cả khi ai đó chớp mắt bình thường khi nói để tỏ ra thành thật thì việc nhận thức về cách mắt họ phản ứng sau đó cũng có thể là một điểm đáng lưu ý.
Ngoài ra, Scott nói rằng liếm môi và nuốt nước bọt là những dấu hiệu chính của sự lừa dối. Ông giải thích: "Khi nói dối, chúng ta giải phóng cortisol, loại hormone gây căng thẳng, nó làm khô miệng và làm chậm quá trình tiết nước bọt".
Nếu không ý thức điều đó, người đó có thể thể hiện những hành vi khác cho thấy họ đang lo lắng hoặc sợ bị phát hiện, bao gồm việc chạm vào những đường nét trên khuôn mặt của họ và bảo vệ "các vùng quyền lực" trên cơ thể như cằm, bụng và háng.
Scott chỉ ra, họ có thể vô thức hếch cằm hoặc hơi nghiêng cơ thể ra một chút để ngăn cản khả năng tiếp cận của bạn với vùng bụng. Một số dấu hiệu khác cũng tố cáo người nói dối, đó là đỏ mặt, thay đổi chuyển động của mắt, cắn môi, xoay cơ thể theo hướng khác.
Người không nói sự thật cũng có thể để lộ ra vấn đề, trong khi cố gắng thuyết phục bạn bằng cách sử dụng ngôn ngữ có vẻ gượng ép, ví dụ nói "Tôi chắc chắn 100%" hay ra sức bổ sung thông tin tới bạn.
Scott cho biết người nói thật sẽ truyền đạt thông tin còn người nói dối sẽ ra sức thuyết phục tin vào thông tin đó.
Ngoài ra, chuyên gia FBI cũng cảnh báo, trong một số trường hợp, phán đoán của bạn có thể bị sai lệch bởi chính những định kiến của bạn về người đó. Vì vậy, nên cố gắng kiên nhẫn tìm hiểu đối phương, thay vì vội vã đưa ra bất cứ kết luận nào.
(Theo Metro)