Trong hai năm trở lại đây, vùng điểm quanh ngưỡng 1.300 trở thành kháng cự mạnh đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index thường đảo chiều giảm sâu do chịu áp lực bán lớn.
Sau khi tiến lên vùng điểm 1.300 điểm vào tháng 8/2022, thị trường thường xuyên giao dịch dưới ngưỡng này trước khi có ba đợt chinh phục bất thành kể từ đầu năm 2024.
Theo quan sát, có ba lần VN-Index tiến lên, giao dịch quanh mốc 1.300 điểm vào tháng 3, tháng 6 và tháng 7 năm nay. Trong những nhịp tăng trên, có thời điểm chỉ số vươn lên trên mốc kháng cự mạnh nhưng lại đóng cửa ở mức thấp hơn.
Việc chỉ số nhiều lần chinh phục bất thành ngưỡng 1.300 điểm trong khi các công ty chứng khoán cùng những nhà quản lý quỹ thường xuyên đưa ra những mục tiêu xa hơn đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Trong nhịp hồi phục lần này, một lần nữa VN-Index tiến lên vùng 1.300 điểm khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng bứt phá qua.
Trong chương trình Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng do VTV cùng Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức trưa nay (26/8), ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS đã đưa ra nhận định về kịch bản thị trường và chiến lược giao dịch sắp tới cho nhà đầu tư.
Đánh giá về bối cảnh hiện tại, vị chuyên gia của VPBankS đánh giá thị trường tiến lên vùng 1.285 – 1.300 điểm trong tuần này và áp lực chốt lời đang diễn ra. Việc thị trường trải qua hai tuần tăng mạnh sau khi tạo nến rút chân cho thấy khả năng nhà đầu tư “bắt đáy” thành công vào quay trở lại bán chốt lời.
Củng cố cho nhận định trên, áp lực bán xuất phát từ tốc độ tăng giá cao của một số nhóm cổ phiếu với tỷ lệ 7 – 10%. Chỉ số thị trường cũng tăng gần 100 điểm từ đáy.
Bên cạnh việc thị trường chịu áp lực bán như vừa nêu thì Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS đánh giá đây là tuần bản lề khi chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 3 ngày.
“Do đó có khả năng thị trường chững lại đà tăng và có xu hướng đi ngang. Thị trường nghiêng về kịch bản kiểm nghiệm lại sức cầu trong ngắn hạn. Bởi vì khi chạm vùng kháng cự kỹ thuật ở vùng điểm cao cộng với thanh khoản có dấu hiệu chậm lại, có thể thị trường xuất hiện nhịp pullback (nhịp hồi) hoặc rung lắc đi ngang theo từng phiên”, ông Trần Hoàng Sơn đưa ra quan điểm trong chương trình.
Với kịch bản trên, hai kịch bản đường đi của VN-Index trong ngắn hạn được chuyên gia của VPBankS đưa ra.
Kịch bản đầu tiên là VN-Index chạm lại vùng 1.300 điểm và rung lắc quanh ngưỡng này, hỗ trợ ở vùng 1.256 điểm.
“Việc thị trường xây nền ở khu vực này là cần thiết cho tái tích lũy thanh khoản và tạo ra lực đẩy mới cho thị trường trong giai đoạn sau. Nếu chúng ta kỳ vọng vượt qua 1.300 điểm và tiến xa hơn thì giai đoạn này cần xây nền mới và tích lũy thanh khoản để vượt qua vùng cản rất mạnh trong hai năm trở lại đây”, ông Sơn nói.
Kịch bản thứ hai, nếu vùng 1.300 điểm không vượt được qua, thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh, diễn biến này từng xảy ra hai lần trong năm nay.
Song, đại diện từ phía VPBankS thiên về kịch bản tích cực trong giai đoạn này. Trong ngắn hạn, thông tin Fed có thể sẽ hạ lãi suất có thể là cú hích quan trọng với không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn trên toàn cầu bởi vì đa phần các nhà đầu tư chờ đợi chính sách nới lỏng hơn trong thời gian tới.
Mặc dù có góc nhìn lạc quan, ông Trần Hoàng Sơn khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua bất chấp. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể quan sát lựa chọn những nhóm cổ phiếu dẫn sóng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí hay ngành liên quan đến xuất khẩu (thủy sản, dệt may).
Trong tình huống khác, không ít nhà đầu tư đang rơi vào trạng thái “chưa thể về bờ” sau khi VN-Index tạo đáy đi lên bởi nắm giữ nhóm cổ phiếu hồi phục yếu, đơn cử như thép. Với trường hợp này, khuyến nghị đưa ra là nhà đầu tư nên cố gắng chờ đợi với cổ phiếu phục hồi chưa nhiều nhưng có cơ bản tốt thì có thể nắm giữ.
Nếu cổ phiếu xác định lướt sóng, nhà đầu tư cần “trồng hoa và nhổ bớt cỏ dại”, tức tái cấu trúc lại danh mục, chuyển sang những nhóm ngành đang được hưởng lợi từ tín hiệu của dòng tiền và kết quả kinh doanh tốt, ông Trần Hoàng Sơn khuyến nghị.