"Giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2023 khi một số nút thắt liên quan đến bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giải tỏa để bảo vệ hệ thống ngân hàng. Đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu nhóm ngân hàng", Chứng khoán Rổng Việt (VDSC) đưa ra nhận định trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng.
Theo thống kê của người viết, tính đến ngày 28/6, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều ghi nhận tăng giá so với thời điểm đầu năm, trong đó PGB và NAB là hai mã cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức tăng 68-72%. VBB đứng thứ ba với thị giá tăng 42%.
Nhóm các NHTM cổ phần quy mô lớn và vừa có giá cổ phiếu tăng từ 20 - 35% có thể kể đến như TPB tăng 35%, VIB tăng 34%, STB (32%), TCB (27%), VCB (25%),... Trong khi đó, cổ phiếu của hai ngân hàng quốc doanh là BID và CTG chỉ tăng dưới 10%.
Trong nửa đầu năm, có ba cổ phiếu ngân hàng ghi nhận giá giảm là SSB (giảm 1%), EIB (giảm 11%) và NVB (giảm 24%).
Chờ những nhịp chỉnh tốt để được hưởng quả ngọt
Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2023 của Công ty Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), định giá cổ phiếu ngân hàng nhìn chung còn tương đối rẻ so với quá khứ. Tuy nhiên, cần xem xét đầu tư trong bối cảnh chung của toàn nền kinh tế, tác động đến kết quả kinh doanh ngắn hạn của các nhà băng.
Nhìn chung, bức tranh kinh doanh của các ngân hàng sẽ sáng hơn nửa cuối năm 2023, mở ra một số kỳ vọng về đầu tư cổ phiếu. Nhà đầu vẫn nên hướng đến các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt cho danh mục đầu tư dài hạn như nhóm ngân hàng quốc doanh.
Ngoài ra, cũng có thể kỳ vọng đến một số cái tên hưởng lợi từ sự phục hồi tín dụng hoặc chính sách như nhóm ngân hàng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và có thể được nới room nước ngoài lên đến 49%.
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCP chứng khoán BIDV (BSC) cho biết quy mô của ngành ngân hàng so với VN-Index là chiếm tỷ trọng lớn nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường.
Trong suốt giai đoạn vừa qua, những rủi ro gia tăng của nhóm ngân hàng có gia tăng do lãi suất tăng rất mạnh vào cuối năm và rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp. Những lo ngại đó đã phản ánh vào giá cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường.
Nhưng chuyển sang giai đoạn hiện nay, khi kết quả kinh doanh được đưa ra, nhà đầu tư sẽ nhận thấy nhiều ngân hàng vẫn khá tốt về hoạt động kinh doanh, những rủi ro liên quan đến nợ xấu hay trái phiếu doanh nghiệp vẫn nằm trong vùng kiểm soát.
"Điều quan trọng nhất là hiện nay nhiều ngân hàng đang có mức định giá hợp lý cho việc đầu tư dài hạn. Nhìn chung, cơ hội đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng vẫn có, đặc biệt là từ nửa sau của năm", ông Long nhận định.
Chia sẻ tại talkshow mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) cho biết dòng tiền từ đầu năm đến nay hoạt động chủ yếu ở 4 nhóm chính bao gồm ngân hàng chiếm 21,4%, chứng khoán (16,1%), bất động sản (16,2%) và vật liệu xây dựng (11,3%).
Chuyên gia cho rằng ngân hàng là một trong những ngành được hưởng lợi từ việc hạ lãi suất. Nhà đầu tư cần chờ những nhịp chỉnh tốt để mua những cổ phiếu đầu ngành thuộc lĩnh vực này thì sẽ được hưởng quả ngọt.
Theo quan điểm của MBS, đối với nhóm ngân hàng, các động thái giảm lãi suất điều hành sẽ tạo dư địa cho việc hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng. Việc lãi suất điều hành giảm cũng khiến cho biên lợi nhuận thuần của các ngân hàng có khả năng cải thiện trong nửa cuối năm.
Ngành ngân hàng trong năm 2023 có thể có sự phân hóa, khi các nhà băng có bộ đệm dự phòng, chất lượng tài sản tốt sẽ có được lợi thế vững chắc hơn trước những khó khăn của nền kinh tế trong năm nay.
Ví dụ như tại ACB, mặc dù tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 của ACB đều tăng trở lại trong quý I nhưng nằm trong tầm kiểm soát và được đảm bảo bởi tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Bên cạnh đó, ngân hàng không chịu áp lực từ mảng cho vay bất động sản và mảng trái phiếu doanh nghiệp. MBS dự phóng lợi nhuận trước thuế của ACBtăng trưởng 12% trong năm 2023 và 19% trong năm 2024.
Hay như Sacombank, kết quả kinh doanh năm 2023 được dự báo khả quan với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm đạt 9.115 tỷ đồng (tăng 43,5% so với cùng kỳ). Ngân hàng sẽ tiếp tục hưởng lợi sau khi hoàn tất tái cơ cấu.
MBS ước tính mỗi năm Sacomank sẽ giảm được 2.000 tỷ đồng chi phí trích lập dự phòng từ khoản trái phiếu VAMC, là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng.