Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian vừa qua ghi nhận những rung lắc mạnh. Tính chung từ đầu tháng 5/2022 tới nay, trải qua 2 tuần giao dịch, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index đã giảm tới 184,03 điểm, tương ứng vốn hóa HoSE bị thổi bay hơn 729.000 tỷ đồng (tương ứng hơn 31,7 nghìn tỷ USD).
“Theo anh chúng ta nên thích nghi như thế nào ở thời điểm này?”, host Phương Nam đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt trong talkshow Khớp lệnh ngày 17/5. Đây có lẽ cũng là câu hỏi chung của nhiều nhà đầu tư mới tham gia trên thị trường hiện nay.
"Thực ra bất cứ thời điểm nào bạn cũng nên có kịch bản. Thứ nhất là thị trường tích cực thì bạn cầm nhiều cổ phiếu, ít tiền mới có lãi, khả năng sinh lợi nhuận. Nhưng với thị trường khó khăn thì có thể 50-50, đấy là phương án đầu tiên tôi thường dạy các nhà đầu tư trong quá trình đào tạo. Bao giờ cũng phải có phương án nếu có biến cố nào đấy mình không biết ứng xử ra sao thì tốt nhất là 50-50, nửa tiền nửa hàng. Kể cả có xuống thì mọi người vẫn còn nửa tiền kể cả giai đoạn đấy không quyết liệt cắt lỗ thì nằm im cũng được. Còn nửa tiền nửa hàng thì mình sẽ ứng phó được. Sau này 1-2 tuần mình tĩnh tâm nhìn lại thị trường tốt thì có thể mua lại phần mình đã bán”, ông Du đưa ra lời khuyên
Chuyên gia này lấy ví dụ bạn có 1 tỷ đồng tham gia vào thị trường chứng khoán, nếu mua hết là cổ phiếu thì khi thị trường xuống 30% thì bạn mất 300 triệu. Nhưng nếu bạn bán 1 nửa lúc thị trường bắt đầu xuống thì bạn tham gia vào 500 triệu và còn 500 triệu để dự phòng. Trường hợp này bạn chỉ mất có 150 triệu. Ông Du cho rằng những người quyết liệt hơn thì có thể bán 70%, giữ 30% cổ phiếu. Khi đó nhiều người còn muốn thị trường xuống để mua thêm giá rẻ.
“Thực ra ngày xưa Du đã từng học phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, rồi mình cũng đặt câu hỏi là tại sao các quỹ luôn thắng mà khách hàng cá nhân thì luôn thua mặc dù khách hàng cá nhân có những người lãi 5-10 lần tài khoản 1 năm. Tại vì nguyên tắc sống sót là không có. Chúng ta có thể lãi 10 lần 1 năm nhưng 1 tháng là cháy tài khoản thì chúng ta không thể thắng người mỗi năm lãi 10-15% duy trì trong 20-30 năm.
Nên học phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản chỉ giúp mọi người chọn lựa từng cổ phiếu thôi, giống như huấn luyện viên chọn từng cầu thủ nào giỏi. Còn để đội bóng thắng thì huấn luyện viên phải có kỹ thuật để quản trị danh mục. Bạn phải quản lý được danh mục. Bạn phải xây được một chiến thuật mà thủ hay công hay lúc nào cần câu giờ chẳng hạn. Quan trọng là kết quả chiến thắng cuối cùng”, ông Du giải thích thêm.
Chuyên gia này cho rằng trong đầu tư chứng khoán cũng thế nếu chúng ta chỉ học phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật thì như cưỡi ngựa xem hoa. Nhà đầu tư nên học về quản trị danh mục. Ông Du ví von việc quản trị danh mục giống như được giao một khu vườn nó đẹp hay không do chúng ta thiết kế cấu trúc ngay từ đầu.
“Chỗ nào chúng ta trồng cây ăn trái, chỗ nào trồng hoa, chỗ nào trồng cây ngắn hạn, chỗ nào nuôi cá thì nó mới thành không gian đẹp được. Còn nếu chúng ta cứ để thế mọc cỏ dại thì rất xấu. Một tài khoản chúng ta đầu tư theo kiểu ngây dại, mua bán theo kiểu loạn xạ nó cũng như thế”, Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt đúc kết.