Thông tin mới đây từ Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao.
Lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, thị trường địa ốc nửa đầu năm vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi với một số hiện tượng nổi bật như nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, có kết quả giao dịch tốt trên 70%; giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng cao.
Liên quan tới các bộ Luật có ảnh hưởng đến bất động sản sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây, Hội Môi giới cho rằng các Luật mới khi có hiệu lực thực thi, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bất động sản sẽ bắt đầu "rục rịch" chuyển động, các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước; các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng; nhà đầu tư có niềm tin trở lại.
Tuy nhiên, VARS lưu ý nguy cơ phát sinh mâu thuẫn nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và “link” được đầy đủ với các điều luật và/hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường.
Do đó, VARS kiến nghị, ngoài việc cần thực sự quyết tâm để Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các Thông tư, Nghị định hướng dẫn chi tiết, "trải đường sẵn" để các Bộ luật có cơ hội được thực thi ngay khi chính thức có hiệu lực.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các bộ luật mới khi chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ tác động tích cực, góp phần thúc đấy sự phục hồi và phát triển của thị trường địa ốc.
Bởi lẽ các bộ luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến là nhằm giải quyết triệt đế các khó khăn, vướng mắc này. Trên thực tế, nỗ lực giải quyết các vướng mắc, điểm nghẽn được thể hiện trong các đạo Luật vừa được thông qua, dù chưa đạt tới kỳ vọng, nhưng chắc chắn sẽ phát huy hiệu lực tích cực.
Chuyên gia cho rằng để thị trường bất động sản thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần một chữ “thông” để cung và cầu bất động sản bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau.
Theo đó, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường. "Thông" các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng. Quan trọng nhất, cần lưu ý các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ, nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường, ông Thiên lưu ý.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cũng đánh giá việc đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực chính thức của ba bộ luật lên 5 tháng so với quy định sẽ góp phần tích cực tới thị trường bất động sản. Điều này giúp nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của thị trường, đặc biệt liên quan đến các vấn đê như định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Song, vị này cho rằng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết luật đế đảm bảo các quy định này sớm đi vào thực tế, có như vậy việc đấy sớm thời gian có hiệu lực của các bộ luật mới thực sự có ý nghĩa.
Bên cạnh đó cần sớm có giải pháp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhăm giám áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Sớm có giải pháp phát triển nhà ở xã hội như chỉ đạo của Ban Bí thư. Đồng thời sớm bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để đảm bảo có đủ căn cứ định giá đất và các hoạt động liên quan khác.