Với chủ đề "Chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng", DxTalks tập 3 mùa hai có sự tham gia của ông Đoàn Hữu Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post); ông Trần Việt Dũng, Chuyên gia tư vấn giải pháp SAP Việt Nam và ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital. Người dẫn chương trình là ông Phạm Hồ Chung, chuyên gia tư vấn tại FPT Digital.
Mở đầu tọa đàm, ông Trần Việt Dũng phân tích hiện trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Logistics nói chung và các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng nói riêng trong quản trị chuỗi cung ứng hiện nay trên thế giới đang diễn ra như thế nào.
Ông cho rằng Covid-19 đã gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế trên toàn thế giới, ngay các những chuỗi cung ứng hiện đại nhất cũng phải đối mặt với thách thức chưa từng có. Chuỗi cung ứng bây giờ đã trở thành nhân vật chính ở khắp mọi nơi, đã chuyển từ chức năng hậu trường sang yếu tố chính để tạo ra sự khác biệt, quyết định tới sự thành công của một doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trên toàn cầu đã tập trung vào 4 mục tiêu đi kèm với đó là những ưu tiên chuyển đổi số tương ứng: Thứ nhất là trở nên nhanh nhẹn hơn, còn gọi là Agility, trong khả năng cảm nhận, dự đoán và phản ứng với những gián đoạn hay sự kiện bất ngờ. Thứ hai là tăng năng suất thông qua tự động hóa các quy trình sản xuất và cả các quy trình khác nữa trong doanh nghiệp bằng việc ứng dụng các công nghệ thông minh như AI, Machine Learning, Robotic, hay là IoT, hay còn gọi là công nghiệp 4.0. Thứ ba là cải thiện kết nối các đối tác kinh doanh để cộng tác ở mức độ cao hơn. Thứ tư là kinh doanh bền vững, còn gọi là Sustainability, nghĩa là tối đa hóa việc tái sử dụng, giảm thiểu lãng phí vật liệu, giảm thiểu lượng khí thải carbon, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân viên.
Tuy nhiên, ông Dũng đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung nhiều vào hai yếu tố đầu tiên là nhanh nhẹn và tăng kết nối nhưng chưa có nhiều sáng kiến với hai yếu tố kết nối cộng đồng và đảm bảo tính bền vững.
Tiếp theo, ông Đoàn Hữu Hậu chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số ở Vietnam Post - một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành Logistics hiện nay tại Việt Nam. "Vietnam Post luôn quan niệm chuyển đổi số là chuyển đổi một cách toàn diện, từ tư duy, mục đích tới cách thức hành động, trong đó lấy khách hàng là trọng tâm và trải nghiệm của khách hàng là ưu tiên hàng đầu", ông Hậu nói. Ông cho rằng nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và thuận tiện sử dụng dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc khách hàng nhiệt tình là mấu chốt trong thời đại số này.
Từng thực hiện tư vấn chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp, ông Vương Quân Ngọc cho rằng doanh nghiệp khi chuyển đổi số phải coi đây là một lộ trình và sẽ tăng hiệu suất toàn diện theo từng bước. Ông nhận xét nhiều doanh nghiệp hay tập trung vào số hóa với nhiều hoạt động cụ thể như số hóa về quản lý kho, số hóa về phần giao nhận hoặc số hóa những điểm liên quan đến trải nghiệm khách hàng mà thiếu tập trung vào định hướng mục tiêu cụ thể trong mô hình kinh doanh cũng như sản xuất. Theo ông Ngọc, với các doanh nghiệp hoạt động về chuỗi cung ứng, chuyển đổi số phải thực hiện phần chiến lược quan trọng nhất của doanh nghiệp, là lấy khách hàng làm trung tâm và đề cao sự liên thông giữa các bộ phận.
"Chuyển đổi số và cách xây dựng chuyển đổi số đúng nghĩa sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp có hoạt động về quản lý chuỗi cung ứng", ông Ngọc nhấn mạnh.
Ở phần sau tọa đàm, ông Đoàn Hữu Hậu chia sẻ về ba khía cạnh quan trọng mà các doanh nghiệp hiện nay cần phải chú ý khi xây dựng và triển khai các giải pháp. Đó là cần thay đổi nhận thức toàn bộ đội ngũ, các doanh nghiệp cần cải tiến và tối ưu hóa quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ông Hậu cho rằng tư duy lựa chọn một giải pháp đủ, nhanh, gọn để kịp thời nắm bắt thị trường nhưng có khả năng mở rộng và phát triển lâu dài là yếu tố tiên quyết.
Trong khi đó, ông Trần Việt Dũng diễn giải cụ thể hơn cách SAP làm khi chuyển đổi số để đảm bảo 4 ưu tiên (tính nhanh nhẹn, tăng năng suất lao động, cải thiện khả năng kết nối và đảm bảo yếu tố bền vững) trong lĩnh vực chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang theo đuổi.
Trước khi kết thúc tọa đàm, ông Vương Quân Ngọc ở góc độ chuyên gia tư vấn đã nói về giải pháp quick-win (lợi ích thấy ngay) mà các doanh nghiệp bước đầu nhìn nhận và đạt được khi áp dụng chuyển đổi số. "Tôi cho rằng giải pháp quick win quan trọng nhất là nên chuyển những hành động lặp đi lặp lại từ người sang máy trong phần thực hiện hoạt động về tác vụ của họ, nghĩa là họ sẽ dành được nhiều thời gian hơn cho quản trị và điều hành".
Ông Ngọc cho rằng trước đây, Việt Nam thường đi sau các nước trong ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, càng những năm gần đây, Việt Nam càng tiếp cận nhanh công nghệ mới. Thậm chí Việt Nam còn đi ngang với cả các quốc gia khác ở một số công nghệ hàng đầu, như công nghệ về Blockchain. Các doanh nghiệp có thể tận dụng được lợi thế này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ông Ngọc cũng đồng tình với ông Chung là khi chọn giải pháp nhanh, ngắn hạn, cũng cần xác lập trên một kiến trúc tổng thể, gồm công nghệ và con người, để doanh nghiệp có thể thực sự chuyển đổi số một cách thành công và nâng cao được năng lực cạnh tranh ở trong thời kỳ công nghiệp 4.0 hiện nay.