Thực tế, trong “Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường”, tỉnh Đồng Nai cũng đã xem xét việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ trọng tâm của công tác di dời, nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều khó khăn
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, gồm: 6 doanh nghiệp FDI và 70 doanh nghiệp Nhà nước, với tổng số hơn 21.000 lao động. Dự kiến, việc di dời các doanh nghiệp khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ hoàn thành trong tháng 12/2025.
Thực tế, quá trình di dời có thể khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong triển khai xây dựng nhà máy mới, đảm bảo tiến độ sản xuất; mất thời gian trong thực hiện các thủ tục pháp lý, giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy,… Bên cạnh đó, khi dời đi, thiết bị còn phải đầu tư bổ sung để nâng cấp chất lượng sản phẩm theo công nghệ mới,…
Thuộc diện di dời trong giai đoạn 1, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa tiền thân là Công ty Đường Biên Hòa - một thương hiệu nổi tiếng đã có mặt trên thị trường cả nước từ lâu hiện đang gặp khó khăn về kinh phí di dời, đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng mới.
Giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Biên Hòa Phan Minh Nhật chia sẻ, do máy móc đầu tư cố định, rất khó tháo gỡ, nếu di dời phần lớn sẽ hỏng hóc, có thể chỉ sử dụng được khoảng 25%, còn lại phải đầu tư mới. Tính cả xây dựng, đầu tư nhà máy mới, tổng kinh phí dự kiến lên tới trên 500 tỷ đồng là quá khả năng của doanh nghiệp.
Theo ông Phan Minh Nhật, việc di dời dễ dẫn tới quá trình sản xuất bị gián đoạn do cần thời gian xây mới nhà xưởng, trong khi sản phẩm cần liên tục xuất hiện trên thị trường. Do vậy, cần lộ trình dài hơi để di dời, đảm bảo liên tục sản xuất, ổn định thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa, tới 90% công nhân đang làm việc tại công ty sẽ nghỉ việc sau khi di dời. Từng là doanh nghiệp Nhà nước, sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa có nhiều công nhân vẫn tiếp tục gắn bó thêm hàng chục năm. Nhiều người làm từ cách đây hơn 30 năm, hiện đã gần đến tuổi nghỉ hưu.
Ông Trần Quang Thạch, công nhân bộ phận hóa chế, tinh lọc nước đường Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa, chia sẻ: "Hiện tôi 54 tuổi dù bảo hiểm đã đóng dư số năm nhưng vẫn chưa đến tuổi về hưu. Sắp tới công ty di dời, do hoàn cảnh gia đình đã ổn định, lớn tuổi cũng không thể đi xa nên chắc chắn tôi sẽ nghỉ việc.
Xin việc mới là không thể vì tuổi này không công ty nào tuyển dụng, nên tôi và nhiều đồng nghiệp cùng hoàn cảnh với tôi sẽ rơi vào tình huống “lỡ cỡ”, nghỉ việc-không xin được việc làm mà không đủ điều kiện được hưởng lương hưu".
Hoàn cảnh của ông Thạch kể trên là rất phổ biến như nhiều công nhân lớn tuổi khác đang làm việc trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ông Thạch mong muốn nhà nước có chính sách giảm bớt năm về độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động đã đủ năm đóng bảo hiểm xã hội. Các chính sách hỗ trợ cần cụ thể, quyền lợi như thế nào để người lao động nắm bắt, chủ động hơn trong quyết định của mình, giúp ổn định đời sống.
Đối với người lao động tiếp tục làm việc, các doanh nghiệp phải tính toán chi trả tiền lương ngừng việc trong thời gian di dời. Đồng thời, khi đi vào hoạt động, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp phải có thêm các khoản hỗ trợ nhà ở, đi lại… mới có thể thu hút người lao động tiếp tục làm việc.
Với những thực trạng kể trên, các doanh nghiệp Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đa phần gặp khó khăn về chi phí tuyển dụng, đào tạo người lao động mới khi công nhân cũ nghỉ việc. Doanh nghiệp phải chi một khoản tiền để chi trả trợ cấp thôi việc cho công nhân không tiếp tục làm việc với doanh nghiệp tại địa điểm mới, đa số người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đều là những người làm việc lâu năm nên chi phí này rất cao...
Đảm bảo an sinh
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Việc triển khai quy hoạch của dự án nào trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng phải đảm bảo cuộc sống của người dân trong vùng dự án có cuộc sống tốt hơn vị trí cũ.
Dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ, Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND thành phố Biên Hòa chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc bồi thường hỗ trợ tái định cư người dân trong vùng dự án và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đối với phần diện tích đất đã giải tỏa các hộ dân trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 theo đề án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (1.187 hộ/1.509 hộ) khoảng 3,2 ha, UBND thành phố Biên Hòa đã giao cho Tổng Công ty Sonadezi quản lý từ năm 2006, phần diện tích của các hộ dân chưa di dời (322 hộ/1.509 hộ) khoảng 2,8 ha tỉnh đang lập kế hoạch di dời tiếp.
Các hộ dân chưa di dời thuộc dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ từ những năm 2008 trở về trước. Tuy nhiên, tại thời điểm này do chưa có nơi bố trí tái định cư, các hộ không đồng ý nhận tiền và ngân sách của tỉnh chưa cấp nên chưa thể di dời được các hộ dân.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết: Hiện UBND thành phố Biên Hòa đang sắp xếp quỹ đất để bố trí tái định cư cho 322 hộ dân trên (khoảng 6 - 7 ha) và chi phí bồi thường, tái định cư cho các hộ dân này thực tế sẽ cao hơn 257 tỷ đồng do phải tính lại giá thời điểm hiện nay, kiểm kê lại tài sản và đầu tư hạ tầng cho khu tái định cư.
Về việc này, UBND tỉnh đã giao UBND thành phố Biên Hòa phối hợp với các đơn vị chuẩn bị các khu tái định cư để tái định cư cho người dân trong ranh Khu công nghiệp Biên Hòa 1, công việc thực hiện hoàn thành trong quý IV/2024.
Bên cạnh đó, theo đề án của Tổng Công ty Sonadezi về chính sách hỗ trợ di dời, các chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực là khoảng trên 1.270 tỷ đồng, số lượng khoảng 21.448 lao động.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng dự kiến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ di dời và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là khoảng trên 7.500 tỷ đồng (số liệu thay đổi theo thời điểm triển khai thực hiện).
Theo quy định hiện hành chưa có quy định về quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Các bộ, ngành đề nghị tham khảo quy định hiện hành, áp dụng theo mức bồi thường, hỗ trợ hiện hành và căn cứ tình hình địa phương để xây dựng nghị quyết.
Do vậy, từ “Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường”, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, các đơn vị liên quan tạo điều kiện về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp thứ cấp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 phải di dời đến địa điểm khác để đầu tư xây dựng lại nhà máy được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành theo ngành nghề và địa bàn đầu tư như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới. Còn đối với chủ đầu tư cấp 1 việc ưu đãi được thực hiện theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đồng ý giảm tối đa tiền sử dụng đất còn phải nộp sau khi khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bàng theo quy định đối với chủ đầu tư cấp 1 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp di dời.
UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Biên Hòa chủ trì phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khác tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng để trình hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua trong quý II/2024.