-
Tháng 1/2020, Robert Quinn đặt vé máy bay từ Phúc Kiến (Trung Quốc) tới Hà Nội, dự định dành cho bản thân 1 kỳ nghỉ xả hơi nhân dịp Tết nguyên đán. Ở thời điểm đó, anh không biết rằng chuyến du lịch của mình rồi sẽ phải kéo dài hơn dự tính.
Trong khi Robert rong ruổi khám phá khắp Việt Nam những ngày đầu xuân thì đại dịch Covid-19, lúc này vẫn còn là 1 căn bệnh bí ẩn với thế giới, bắt đầu bùng phát mạnh ở Trung Quốc, đặc biệt tại tâm dịch Vũ Hán. Robert lập tức liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp ở Trung Quốc để hỏi han, tìm cách quay trở về nhưng ai nấy đều khuyên anh lưu lại Việt Nam theo dõi tình hình.
Tới tháng 3, khi Robert ngược về Hà Nội thì cũng là lúc Covid-19 chính thức được WHO tuyên bố là "đại dịch". Hơn 100 quốc gia ghi nhận ca bệnh, số người tử vong đã lên tới hàng nghìn. Đất nước tỷ dân quyết định đóng cửa biên giới với người ngoại quốc sau hàng loạt biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển.
Robert không còn có thể quay trở về Trung Quốc được nữa. Anh bất đắc dĩ kẹt lại Việt Nam – lúc này cũng đang ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên và buộc phải áp dụng giãn cách xã hội để khống chế dịch bệnh.
Vậy là Robert đành tự "giam mình" trong căn phòng trọ ở quận Ba Đình mà anh thuê qua Airbnb. "Ở một mình trong căn phòng đó khiến tôi khá bứt rứt. Chẳng biết làm gì tôi đành đọc sách giết thời gian, đợt đó tôi đọc phải đến 5 cuốn mỗi tuần", Robert kể.
Kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ khiến Robert phải xoay xở xử lý nhiều vấn đề phát sinh, từ gia hạn visa cho tới tiền phòng ốc, việc ăn uống. Robert cho biết, anh không gặp phải khó khăn gì về thủ tục. Không những vậy, anh còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ người chủ nhà.
"Chủ nhà nơi tôi ở rất nhiệt tình, thân thiện. Bà ấy giúp tôi liên hệ với đại lý du lịch và giảm khá nhiều tiền phòng cho tôi. Thậm chí, bà ấy còn thường xuyên mời tôi ăn tối cùng gia đình, khiến tôi phần nào vơi bớt nỗi cô quạnh, buồn chán", Robert chia sẻ.
Nhìn lại khoảng thời gian ấy, Robert nói: "Tôi bị kẹt ở Việt Nam, nhưng phải nói là tôi thích bị kẹt ở Việt Nam. Dù vậy thì cũng hoang mang chứ, không phải chỉ về công việc, sự nghiệp mà còn cả tình hình thế giới nữa. Biên giới đóng cửa, một căn bệnh lạ, một cảnh huống chưa từng xảy ra, những khoảng thời gian vô định đằng đẵng, tôi không khỏi lo lắng về mọi thứ".
Tới khoảng tháng 7/2020, khi Việt Nam được truyền thông thế giới ca ngợi là "phép màu" của châu Á nhờ các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, giúp giảm ca nhiễm và tử vong, không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng thời gian dài, đồng thời nền kinh tế đang phục hồi thì tình hình dịch bệnh thế giới vẫn rất căng thẳng, có thời điểm ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm mỗi ngày.
Lúc này, giống như nhiều người nước ngoài bị mắc kẹt ở một đất nước xa lạ đau đáu về quê hương, Robert đã quyết định trở về quê nhà ngay khi có cơ hội, đồ đạc cá nhân đành bỏ lại Trung Quốc, nhờ người quen trông nom.
Khi Robert trở về Anh, tình hình vẫn không khá hơn. Ở thời điểm đó, dịch Covid-19 tại châu Âu diễn tiến rất phức tạp. Nhiều nước, gồm cả Anh, phải áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.
Robert quay về sống với bố anh và chú chó cưng chihuahua trong 1 căn hộ ở London. Anh tiếp tục công việc giảng dạy ở Trung Quốc dưới hình thức trực tuyến. Đại dịch không khiến anh gặp nhiều khó khăn tài chính hay công việc. Ngay cả giai đoạn mắc kẹt ở Việt Nam, anh vẫn duy trì công tác và nhận lương từ trường học ở Trung Quốc. Có những tuần dù chỉ làm việc 3 tiếng đồng hồ nhưng anh vẫn được trả 2.000 USD một tháng, một mức lương hậu hĩnh khó tin.
Thế nhưng cuộc sống ở Anh khá trầm buồn, sự trầm buồn hiện hữu cả trong bầu không khí. Trời mưa lạnh liên miên. Chính điều này đã thôi thúc Robert lên đường, mong mỏi tìm tới một vùng đất khác. Anh trăn trở với rất nhiều suy nghĩ: Bây giờ nên đi đâu? Trung Đông? Đông Âu? Hay quay lại Trung Quốc?
"Trung Đông thì tồn tại nhiều vấn đề còn châu Âu thì ngột ngạt. Trong khi người phương Tây quanh đi quẩn lại với cuộc sống của mình, thì ở châu Á luôn có sự sôi động và phát triển. Tôi yêu thích châu Á vì ở đó người dân rất hào hứng xây dựng mục tiêu chung còn phương Tây thì ngổn ngang hàng loạt các vấn đề, điều đó ăn mòn con người", Robert chia sẻ.
"Thực ra, lúc đó tôi cũng có thể quay trở về Trung Quốc nhưng chi phí cách ly đắt đỏ mà tiền đi lại cũng tốn kém. Tôi ngẫm nghĩ và thấy bản thân trải nghiệm Trung Quốc thế là đủ rồi".
Giữa lúc băn khoăn lựa chọn, Robert đột nhiên nhớ tới Việt Nam.
"Tôi chợt nhớ mình đã từng ở Việt Nam thời gian ngắn và thích cuộc sống ở đó nhưng chưa thể tận hưởng Việt Nam một cách trọn vẹn vì đại dịch. Tôi thấy Việt Nam rất hấp dẫn. Tôi muốn thử lại một lần nữa, muốn tìm hiểu thêm về đất nước này", Robert nói.
Robert cho biết, môi trường sống và thị trường việc làm phong phú, cởi mở của Việt Nam cũng là một trong những lý do khiến anh chọn đây là điểm dừng chân kế tiếp.
"Người dân Việt Nam rất thân thiện, đa dạng và phóng khoáng. Khi nói chuyện với người Trung Quốc, có thể thấy họ chỉ quan tâm về Trung Quốc, không biết quá nhiều về thế giới. Còn người dân Việt Nam thì có vẻ toàn cầu hóa hơn, quan tâm tới nhiều thứ hơn", Robert nói.
Chọn sống ở Việt Nam rồi, Robert lại đứng trước bài toán khó: Đại dịch còn chưa kết thúc, làm thế nào để tới Việt Nam đây? Anh tìm tới một nhà hàng Việt Nam tại London để chia sẻ tâm sự và tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng ở nhà hàng, ai cũng cho rằng đó là điều không thể ở thời điểm này.
Dù vậy, Robert vẫn không bỏ cuộc. Anh miệt mài tìm các cơ hội việc làm tại Việt Nam trên mạng internet. Và cuối cùng nỗ lực đã mỉm cười với anh. Robert tìm được một công việc dạy tiếng Anh trực tuyến tại Việt Nam. Nơi tuyển anh vào làm đã hỗ trợ anh xin visa lao động và chấp nhận trả toàn bộ chi phí cách ly. Vậy là, tháng 8/2021, Robert một lần nữa đặt chân tới Hà Nội, bắt đầu một hành trình mới của cuộc đời.
"Trước khi sang Việt Nam, tôi đã có một giấc mơ lạ. Tôi mơ thấy một chữ V rất lớn", Robert vui vẻ nói với chúng tôi trong căn phòng nhỏ ở phố Đặng Thai Mai. Anh bảo, có khi đó là điềm báo về chân trời mới, về một giấc mơ Việt Nam.
Nói về lý do chọn sống ở thủ đô Hà Nội, Robert giãi bày: "Hà Nội có những đợt lạnh như ở Anh. Nhưng trái với Anh, tiết trời u ám, không có mặt trời kéo dài tận 9 tháng, chỉ có 2-3 tháng hè thì Hà Nội nắng vàng rực rỡ kéo dài nhiều tháng trong năm".
Thực tế, Robert có chút nuối tiếc khi rời Trung Quốc do công việc đang rất thuận buồm xuôi gió cùng mức đãi ngộ cao nhưng khi đặt lên bàn cân so sánh, Robert nhìn thấy cơ hội lớn ở một Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Ngoài ra, anh ấp ủ cho mình một ước mơ: kiếm tìm hạnh phúc.
Ước mơ hạnh phúc của Robert đã thành hiện thực vào mùa thu năm 2021, không lâu sau khi anh tới Hà Nội.
"Một buổi trưa tháng 10, tôi đang ngồi bên hồ Hoàn Kiếm, thả trôi suy nghĩ theo dòng nước thì một cô gái tình cờ ngồi xuống ghế kế bên", Robert kể về lần đầu tiên gặp Hải Vân, người con gái Hà Nội dịu dàng giờ đã là vợ anh, "Cô ấy trông vừa ngây thơ, vừa có vẻ bảo thủ, lại hơi chảnh. Dáng vẻ của cô ấy đã khiến tôi bị thu hút".
Thực ra, lúc đó Vân đang tận hưởng khoảng thời gian nghỉ trưa bên Bờ Hồ.
"Mình làm ở đại sứ quán Brazil ngay gần hồ Hoàn Kiếm nên buổi trưa thường ra đó dạo bộ hoặc cùng đồng nghiệp tán gẫu. Hôm ấy, đang ngồi bên hồ thì anh Robert bắt chuyện", Vân cười.
"Tôi hỏi cô ấy về món bánh cô ấy đang cầm trên tay và đánh bạo xin một miếng. Vân đã hào phóng chia sẻ với tôi. Nếu cô ấy không cho tôi miếng bánh thì chẳng biết có chuyện gì xảy ra hay không. Đó là lát bánh chuối ngon nhất mà tôi từng ăn trong đời. Có khi cô ấy bỏ bùa vào đó hẵng nên", Robert hóm hỉnh tiếp lời.
Robert xin số điện thoại của Vân, sau đó lấy cớ cần đổi tiền, không thông thạo đường đi lối lại để hẹn gặp cô. Vậy là cuộc hẹn hò đầu tiên của hai người diễn ra tại một tiệm kim hoàn trên phố Hà Trung, trong một ngày mưa, giữa đợt giãn cách xã hội của toàn thành phố.
Khi được hỏi ấn tượng với Robert về điều gì, Vân mỉm cười: "Có lẽ là sự tử tế và chân thành". Vân kể, Robert hay cảm thông với những hoàn cảnh kém may mắn, anh từng không ngần ngại vòng xe lại, chia sẻ chút vật chất với người vô gia cư khi họ phải nép mình trên phố vắng trong ngày đông lạnh.
"Mình cảm thấy giữa hai người có sự kết nối. Nói chuyện, giao tiếp sợ nhất là sự gượng gạo và những khoảng lặng. Nhưng bọn mình ngay từ đầu đã chuyện trò rất hợp, nói mãi không hết chuyện", Hải Vân chia sẻ.
"Mối quan hệ của chúng tôi tiến triển rất nhanh, chưa bao giờ tôi trải qua mối quan hệ nào như vậy", Robert nói. Đến bây giờ anh vẫn nghĩ cặp đôi nên duyên là nhờ món bánh chuối ngọt ngào đó.
Trước Giáng sinh 2021 vài ngày, Vân dẫn Robert về ra mắt bố mẹ.
Vân trưởng thành trong một gia đình khá truyền thống. Có lẽ đó là lý do khiến mẹ cô e ngại khi biết Vân hẹn hò với một chàng trai ngoại quốc. Bà viết cho con gái một bức tâm thư, khuyên cô suy nghĩ kỹ về quyết định quan trọng của đời người.
"Mẹ mình có phần lo lắng vì anh ấy là người nước ngoài. Lúc mới biết chuyện, bà cũng chưa đồng ý lắm. Bố mẹ mình cũng lớn tuổi rồi, lại là kiểu truyền thống, thích được ở gần con cái. Mình có 1 chị gái thì lấy chồng rồi ở mãi Sài Gòn, nhiều khi mẹ cũng xót xa. Nghĩ đến mình, mẹ sợ mình lấy chồng xa hơn nữa thì lo lắm, sợ con đi xa, sợ mất con. Mẹ viết bức tâm thư, khuyên mình cân nhắc kỹ", Vân tâm sự.
"Thế là mình phải viết thư gửi lại mẹ. Mình tâm sự thật lòng, rằng mình thấy anh ấy cũng chân thành nên muốn mạnh dạn tìm hiểu nhau", Vân nói, "Thành dâu thành rể hay không còn tùy duyên mà."
Ngày Robert ra mắt gia đình Vân, mẹ cô vẫn giữ trong lòng nhiều tâm tư. Bà lo đón tiếp chu đáo người mà con gái đưa về giới thiệu nhưng nét mặt vẫn ẩn chứa những nỗi niềm. May thay, Robert lại vô tình gặp "cạ cứng" là bố Vân.
Bố Vân là cựu chiến binh còn Robert lại là người đam mê lịch sử. Anh từng có thời gian nghiên cứu lịch sử Việt Nam, giờ lại gặp một nhân chứng sống của thời đại, nên rất vui mừng. Bất đồng ngôn ngữ không cản trở được họ.
"Không gặp thì thôi, chứ lúc nào gặp bố mình và anh Robert cũng thao thao bất tuyệt về chuyện thời chiến", Vân cười nói, "Hai người hợp nhau nên bố mình rất quý anh ấy. Qua nhiều lần gặp thì mẹ mình cũng có nhiều thiện cảm hơn. Sau này thì mẹ mình cũng thuận thuận, xuôi xuôi".
Yêu nhau một thời gian thì Robert quyết định cầu hôn Vân. Lúc đó, cô đang mắc Covid và cảm thấy rất tồi tệ. Biết Vân buồn nên Robert muốn cô vui hơn. Anh nghĩ, chẳng gì có thể khiến Vân vui hơn là lời cầu hôn của anh. Vậy là Robert dò hỏi Vân để biết cỡ ngón tay cô.
"Đã cẩn thận dò hỏi trước rồi mà tôi vẫn mua nhầm cỡ nhẫn. Khi tôi cầu hôn, cô ấy tỏ ra rất ngạc nhiên, nhưng tôi biết cô ấy đã đoán được từ trước. Cô ấy làm vậy cốt để tôi vui", Robert nói.
"Mình đoán được nhưng thấy anh ấy lo lắng, chuẩn bị như vậy, mình rất cảm động", Vân cười nói.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người thân bên Anh chưa thể sang nên Vân và Robert mới chỉ tổ chức lễ dạm ngõ và ăn hỏi. Đó là một lễ dạm ngõ đặc biệt. Bố mẹ Vân ở Việt Nam, bố Robert ở Anh, nói chuyện tương lai đôi trẻ qua màn hình video.
Sau đó là lễ ăn hỏi. Dù tổ chức đơn giản nhưng buổi lễ vẫn có đầy đủ thủ tục lễ nghi cần thiết theo phong tục Việt Nam. Vì Robert là người nước ngoài, không rõ tiếng Việt cũng như tỏ tường nghi lễ đám hỏi của Việt Nam nên Vân phải bố trí một người bạn làm phiên dịch riêng cho anh.
Anh Robert và chị Vân trong lễ ăn hỏi. Ảnh: NVCC
Đó cũng là lần đầu tiên Robert mặc áo dài truyền thống của Việt Nam. Ban đầu anh có chút lưỡng lự vì đây là một loại trang phục lạ lẫm, không quen thuộc nhưng sau, Robert vẫn quyết định chiều lòng Vân, cùng cô diện áo dài trong ngày lễ đặc biệt với cả hai.
"Mặc áo dài rất thoải mái nhưng nom ảnh thì tôi không nhận ra nổi chính mình", Robert chia sẻ.
Hiện tại, Việt Nam đã bước sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh. Robert cũng đã kiếm được 1 công việc thú vị hơn. Hai vợ chồng anh dự tính sẽ làm đám cưới trong thời gian tới và chuyển đến một căn hộ lớn hơn. Đó là những ý định trước mắt.
"Kế hoạch dài hơi cụ thể thì chúng tôi vẫn chưa có. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam là một điểm khởi đầu tuyệt vời", Robert nói, "Chúng tôi vẫn đang học cách yêu thương nhau, gây dựng gia đình. Tất cả đều mới mẻ. Tôi đang học tiếng Việt, sắp tới sẽ học lái xe máy. Trước đây, tôi từng có lần bị ngã xe ở Sapa nên vẫn còn e dè nhưng tôi biết mình sẽ phải vượt qua nỗi sợ này nếu muốn sống ở Việt Nam một cách trọn vẹn".
Khi mở cửa trở lại, mùi vị của cuộc sống Sài Gòn thậm chí sẽ còn đặc biệt hơn nữa
Anh rất hào hứng với những trải nghiệm sắp tới và mong muốn được hòa mình vào cuộc sống ở Việt Nam, nơi đã để lại cho anh ấn tượng sâu đậm kể từ lần đầu gặp gỡ. Ngay cả giao thông Việt Nam - từng là thách thức với anh mỗi khi sang đường – Robert cũng cho rằng: "Sự hỗn loạn ấy – với tôi - có nét quyến rũ riêng".
Robert rất mê ẩm thực Việt, thích ăn phở bò, uống café, nhưng với anh, không gì ngon bằng cơm mẹ vợ nấu. Mỗi lần Robert đến nhà chơi, bà thường chuẩn bị mâm cơm cực kỳ thịnh soạn khiến anh không thể kiểm soát được cân nặng của mình. "Có những lần trước khi đến, tôi đã tự nhủ sẽ chỉ ăn một bát thôi nhưng ngồi trước mâm cơm lại không thể chối từ", Robert chia sẻ.
Hồi tưởng lại quãng thời gian vừa qua, Robert tự nhận thấy bản thân may mắn.
"Tôi sẽ sống phần đời còn lại ở Việt Nam. Tôi sẽ dành thời gian cho Vân và cùng xây dựng gia đình ở Hà Nội. Việt Nam sẽ là quê hương thứ hai của tôi. Đúng không nhỉ? Khi bạn sống ở đâu đủ lâu thì nơi đó sẽ trở thành quê hương của bạn", Robert vừa nói vừa siết chặt tay Vân. "Rời Trung Quốc là một quyết định may mắn, giờ đây tôi đã có tổ ấm của riêng mình".