Đã phát hiện dấu hiệu rửa tiền qua chứng khoán
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan đến thị trường chứng khoán diễn biến bất thường trong thời gian qua tại phiên chất vấn 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường chứng khoán nước ta dù chỉ đang trong giai đoạn phát triển còn non trẻ nhưng đã đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế.
Việt Nam mới có 22 năm trong khi các quốc gia phát triển đã có trên 500 năm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán. Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn ước đạt 134,5% GDP năm 2021, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua xảy ra một số hiện tượng thao túng chứng khoán như thao túng cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, thiếu chính xác, lừa dối khách hàng…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, chuyện thao túng chứng khoán vừa qua chủ yếu là hành vi cá nhân. Những trường hợp này vi phạm trật tự kinh tế, Luật chứng khoán sẽ phải xử lý nghiêm.
Trong công tác quản lý, giám sát, Bộ Trưởng cho biết đã thử nghiệm đưa trí tuệ nhân tạo vào trong việc theo dõi thị trường chứng khoán, phát hiện và thanh tra kiểm tra đối với các cổ phiếu biến động bất thường, những giao dịch bất thường.
Bộ Tài chính sắp tới sẽ hoàn thiện Luật Chứng khoán và sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu huy động vốn đầu tư kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng cho biết trong quá trình thanh tra kiểm tra, Bộ đã phát hiện nhiều sai phạm, không những sai phạm trong vi phạm chứng khoán, mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Bộ đã gửi hồ sơ qua cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.
Đây là điểm mới nhất trong công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu. Trước đó, trong tất cả các báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hầu hết các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện chỉ dừng ở mức độ thao túng.
Chưa phát hiện trường hợp rửa tiền trước đây
Thực tế, sau 22 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng được đánh giá là có thể trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các tội phạm rửa “tiền bẩn” có được từ hoạt động phạm tội.
Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực PCRT, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế về PCRT. Song song với đó là Nghị định số 116/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Cụ thể đối với lĩnh vực chứng khoán, theo quy định tại khoản 5, Điều 22, Luật Phòng, chống rửa tiền, các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm:
Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý;
Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam; Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc;
Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi;
Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng;
Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền của Quốc hội, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán...; Thanh tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực chứng khoán...
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2021, cơ quan này đã tiến hành 11 cuộc thanh tra về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm, 68 cuộc thanh tra trong lĩnh vực chứng khoán, 52 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý quỹ, 6 cuộc thanh tra trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nhưng chưa phát hiện trường hợp nào có liên quan đến giao dịch nghi ngờ rửa tiền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế nội tại trong các quy định của pháp luật, đồng thời nhằm bảo đảm sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế và qua đó nâng cao công tác phòng, chống rửa tiền trong thời gian tới.