Bỏ cả ăn để chạy mô phỏng
Margrethe Maersk có trọng tải tới 214.121 DWT, sức chở gần 18.300 Teus và chiều dài gần 400m. Với kích cỡ và trọng lượng này, trước khi chính thức chở đầy hàng cập cảng Cái Mép vào tháng 10/2020, tàu đã phải thử nghiệm chạy rỗng vào năm 2017.
Sự kiện tàu container lớn nhất thế giới lần đầu cập cảng Việt Nam mở ra chương mới cho ngành Hàng hải
Trong ký ức của ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), để đón được tàu vào năm 2017 là cả một sự kỳ công.
Dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Công, đội ngũ tham gia đón tàu đã phải thuê một liên doanh vận tải của Hà Lan để chạy mô phỏng buồng lái, mô phỏng tàu chạy trên luồng.
Một ngày đón tàu nhưng chúng tôi phải chuẩn bị suốt vài tháng, trao đổi liên tục với các đơn vị tư vấn, hãng tàu. Chủ yếu là phải thuyết trình, chạy mô phỏng, trình bày, làm việc với phòng an toàn của Cục Hàng hải VN, Vụ An toàn giao thông. Mọi thứ phải được tính toán và bàn thảo kỹ lưỡng để chắc chắn về độ sâu luồng, tính toán thủy triều… Công tác phối hợp với các hoa tiêu, lai dắt và các bộ phận liên quan cũng phải chuẩn bị nhuần nhuyễn để đến ngày là cứ thế “lên đường”.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép
16 tổ hợp kịch bản đã được đưa ra và nhiều lúc, việc thực hiện chạy mô phỏng thất bại lại phải chạy lại.
Việc thử nghiệm là cơ sở cho chuyến đón tàu chở đầy hàng năm 2020 thành công.
Ông Kỳ kể, từ tháng 8/2020, ông đã lặn lội sang tận trụ sở của hãng tàu Maersk Line (Copenhagne - Đan Mạch) để thương lượng việc đưa tàu có hàng vào cập cảng Cái Mép.
Ban đầu, hãng có chút e dè bởi những hạn chế của khu cảng.
Tuy là cảng biển, song khu Cái Mép - Thị Vải vẫn có khúc cảng sông. Cuối cùng, hãng tàu của Đan Mạch đã đồng ý.
Trở về Việt Nam, ông Kỳ lại tất bật làm giấy xin cấp phép từ Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN, xin yêu cầu tư vấn chạy mô phỏng shipma, lên hàng chục kịch bản trước khi lựa chọn kịch bản mô phỏng buồng lái.
Tất cả các tình huống có thể xảy ra khi tàu đi trên luồng đều được đưa vào kịch bản, từ các yếu tố thủy triều lên xuống, tốc độ gió, cập cảng trong tình huống có chướng ngại vật, chết máy, đâm va, mắc cạn…
Đảm nhận việc tư vấn, chạy mô phỏng tàu, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, bản thân “mất ăn mất ngủ” khi nhận nhiệm vụ.
Bởi, đây là lần đầu đón một tàu lớn với công suất vượt luồng. Con tàu trị giá cả vài chục triệu USD, chở rất nhiều hàng nên chỉ cần cần một sơ suất hay sự cố nhỏ cũng có thể gây ra những thiệt hại khôn lường.
Ông Tuấn kể, các buổi họp giữa các cơ quan liên quan diễn ra liên tục để bám sát tình hình. Có những buổi chạy mô phỏng buồng lái realtime (thời gian thực) xuyên trưa, các bộ phận thậm chí bỏ bữa ăn để theo hành trình của tàu trong mô phỏng. Thậm chí, ê-kíp còn chọn những kịch bản nguy hiểm nhất để chạy mô phỏng buồng lái.
“Sau vài tháng nghiên cứu, họp lên họp xuống, khi mô phỏng thấy ổn, chúng tôi mới thông báo cho hãng tàu để lên kế hoạch ngày vào. Con tàu này là sự kế thừa các bước nghiên cứu nâng cấp dần suốt những năm trước đó, nhưng vì tàu rất lớn nên vẫn áp lực. Nhiều lúc, mọi người cũng căng thẳng với nhau vì quá lo lắng và nhiều việc phải làm”, ông Tuấn nhớ lại.
“Ngày đặc biệt”
Trưa ngày 25/10/2020, sóng yên bể lặng nhưng không khí trên cảng Cái Mép lại vô cùng nhộn nhịp. Các bộ phận hoa tiêu, lai dắt, cảng vụ… liên tục bận rộn dẹp luồng, định vị neo đậu cho tàu.
Từ xa, “siêu tàu” container Margrethe Maersk dần xuất hiện, bắt đầu hành trình vào khu vực đón trả hoa tiêu, cách khu vực phao số 0 biển Vũng Tàu khoảng 2 hải lý.
Để đón con tàu “siêu khủng” này, ông Nguyễn Khắc Du, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu (Vungtauship) cử 3 hoa tiêu ngoại hạng, nhiều kinh nghiệm nhất lên tàu. Các hoa tiêu đã nhanh chóng trao đổi qua bộ đàm với thuyền trưởng Martin Ytte Hansen và tiếp nhận việc dẫn tàu vào luồng. Không chỉ được hoa tiêu ngoại hạng đón, khi hành trình tới phao 21, Margrethe Maersk còn được 6 tàu lai đến “hộ tống”, đưa tàu vào cập cảng.
Theo lời ông Du, để có những hoa tiêu ngoại hạng đón tàu lớn, từ cả chục năm trước họ đã phải đưa người đi thực tập, đào tạo ở Malaysia. Bởi thế, kinh nghiệm đã giúp chuyến đón tàu Margrethe Maersk thuận buồm xuôi gió sau 2 giờ, nhất là khi trời bỗng đổ cơn mưa xối xả.
Lần đầu chứng kiến con tàu xuất hiện lừng lững như một tòa tháp khổng lồ chở đầy hàng, Tổng Giám đốc Cảng CMIT thừa nhận bản thân đã “choáng ngợp” và thấy “một cảm giác rất lạ” trước sự đồ sộ, to lớn của “quái vật biển cả”.
“Tàu vừa cập cảng và được chằng buộc xong, lạ thay, trời cũng tạnh mưa và nắng hửng lên như báo hiệu cho một khởi đầu đầy hoàn hảo. Đội áo mưa đứng ở cầu cảng, tôi lo lắng nhưng lòng lại phơi phới niềm vui”, ông Kỳ thổ lộ và chia sẻ, đó là một ngày đặc biệt.
Thay đổi kịch bản vì Covid-19
Tàu Magrethe Maersk cập cảng Cái Mép
Tháng 10/2020 cũng là thời điểm dịch Covid-19 đang bắt đầu bùng lên ở châu Âu và một số quốc gia châu Á. Tại Việt Nam khi đó đã có khoảng hơn 500 ca Covid-19 trên cả nước. Lo ngại trước tình hình dịch bệnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu thời điểm đó là ông Phạm Viết Thanh tỏ ra khá quan ngại trong việc đón tàu.
Đội ngũ đón tàu bắt đầu được siết quy định chặt chẽ hơn, cũng phải thay đổi kịch bản trong buổi lễ đón tàu. Theo tiết lộ, kịch bản ban đầu sẽ là chương trình đưa khách lên boong tàu tham quan, nhưng phút chót đã phải chỉnh sửa. Ngoài thuyền trưởng, các thủy thủ của tàu Magrethe Maersk không được xuống tàu tham gia buổi lễ đón tàu.
“Siêu tàu” ghé Việt Nam đúng 1 ngày và ngày 26/10 rời đi nên trong ngày 25/10, 5 cẩu đã được huy động để bốc xếp hơn 6.000 Teus xuống cảng. Lực lượng bốc xếp thay phiên nhau, bố trí hoạt động liên tục.
Giám đốc Portcoast cho hay, việc tàu rời đi cũng gây lo lắng vì đội ngũ tư vấn vẫn phải thực hiện nhiều kịch bản khác nhau. “Chỉ đến khi tàu rời đi an toàn, bóng tàu dần đi xa ngút ngàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm và ăn uống ngon miệng”, ông Tuấn kể.
Đối với những người tham gia đón “siêu tàu”, đây không chỉ là sự quyết tâm của cảng mà của cả hãng tàu. Tàu Magrethe Maersk đi chặng châu Á và châu Âu, chỉ ghé khoảng 20 cảng trên thế giới. Nếu không ghé Cái Mép -Thị Vải, tàu sẽ ghé Malaysia để duy trì trung tâm trung chuyển. Bởi thế, việc con tàu này chấp nhận cập cảng Việt Nam được cho là hãng đã đánh giá cao về năng lực phối hợp bên cơ quan liên quan tại Việt Nam.
Sự kiện được cho là đã mở ra chương mới cho ngành hàng hải Việt Nam. Sau sự kiện, cảng Cái Mép - Thị Vải có thêm nhiều cơ hội đón những tàu trọng tải lớn cập cảng. CMIT cũng trở thành cảng duy nhất được Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN cho phép tiếp nhận tàu container lớn với cỡ trọng tải tới 214.000 DWT.