Theo Bloomberg, CEO Meta Mark Zuckerberg có lẽ ước mình đang lướt sóng ở Hawaii - nơi ông sở hữu rất nhiều đất đai, thay vì phải đau đầu trước báo cáo tài chính không mấy sáng sủa.
Trong nhiều tháng qua, Zuckerberg liên tục nhắc đến kế hoạch dài hơi của công ty là hướng mục tiêu vũ trụ ảo metaverse. Nhưng vào 27/7, ông đề cập mục tiêu trước mắt và thiết thực hơn: dùng thuật toán thúc đẩy kết nối xã hội và cung cấp cho người dùng luồng nội dung từ những nhà sáng tạo. Đây là cách TikTok đã làm và thành công.
"Tôi muốn nói, cuối cùng, chúng ta vẫn là một công ty truyền thông xã hội, tập trung vào việc kết nối mọi người", Zuckerberg khẳng định với các nhà đầu tư.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh công ty lần đầu giảm doanh thu trong một thập kỷ qua. Meta đạt 28,82 tỷ USD trong quý II/2022, thấp hơn gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng tăng 1% lên 2,93 tỷ.
Zuckerberg cũng dành nhiều thời gian nói về nguy cơ cạnh tranh. CEO Meta đã chỉ ra những thách thức tài chính tiềm ẩn, bao gồm hậu quả của chính sách bảo mật mà Apple đang áp dụng, sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ TikTok cũng như các tác động của "nền kinh tế bất ổn" đang diễn ra.
Để đối phó với TikTok, Meta chọn cách sao chép tính năng của nền tảng này và đưa lên Facebook và Instagram thông qua ứng dụng Reels, thay vì tạo ra một sản phẩm khác đột phá hơn. Sự thay đổi này bị cả người sáng tạo nội dung và người dùng phản đối, trong đó có người nổi tiếng như nhà Kim Kardashian.
Người dùng trẻ cũng là thách thức với Meta. Cuối năm ngoái, công ty ghi nhận lần đầu người dùng hàng ngày sụt giảm. Các nguyên nhân được chỉ ra là người trẻ không muốn truy cập mạng xã hội "già" như Facebook, trong khi Apple cũng giới hạn theo dõi quảng cáo của Facebook trên iOS.
WhatsApp - vấn đề lớn của Meta
Tuy nhiên, theo Washington Post, vấn đề đáng lo ngại nhất với Meta hiện nay là WhatsApp - khoản đầu tư lớn nhất của Meta. Năm 2014, ứng dụng nhắn tin này được Zuckerberg mua với giá 19 tỷ USD. Gần 8 năm qua, Meta chưa thể làm gì để biến ứng dụng thành "con gà đẻ trứng vàng" như Instagram - nền tảng cũng được họ mua với giá một tỷ USD năm 2012. Riêng năm 2019, doanh thu của Instagram là 20 tỷ USD, còn WhatsApp chỉ đạt một phần rất nhỏ.
Cuối năm ngoái, FTC và nhiều bang của Mỹ gửi đơn cáo buộc Meta đã giành vị thế độc quyền trong lĩnh vực mạng xã hội, triệt tiêu đối thủ tiềm năng khi thực hiện hai vụ thâu tóm Instagram và WhatsApp. Trong đơn kiện, FTC đề nghị tòa án yêu cầu Meta thoái vốn ở hai công ty con này, đồng nghĩa với việc chia tách và phá hủy "đế chế" do Zuckerberg xây dựng.
Theo các chuyên gia, điều này cũng làm cho Zuckerberg thiếu động lực để biến WhatsApp trở thành ứng dụng được quan tâm, nhất là khi ông đang xoay trục sang metaverse. Tuy nhiên, tham vọng vũ trụ ảo cũng vừa khiến Meta thua lỗ thêm 2,8 tỷ USD trong quý II/2022.
Bầu không khí căng thẳng
Những tuần gần đây, các giám đốc điều hành tại Meta đưa ra nhiều khuyến cáo liên quan đến hiệu suất làm việc của nhân viên. Ngày 27/7, Meta thừa nhận họ có kế hoạch giảm chi tiêu và hạn chế tuyển dụng trong năm nay. Nhưng có một thông điệp khác cũng được hướng đến: Đã đến lúc định hình lại công ty.
"Nếu ai đó vẫn không thể đáp ứng kỳ vọng, yêu cầu họ rời khỏi Meta là điều đúng đắn nên làm", Giám đốc nhân sự Meta Lori Goler gửi thông báo tới nhân viên hồi đầu tháng và được Washington Post thu thập.
Theo giới quan sát, thông điệp trên là động thái cứng rắn của Meta sau nhiều năm quản lý lỏng lẻo. "Bầu không khí rất căng thẳng", một nhân viên Meta cho biết. "Mọi người đều đang lo lắng bởi ngân sách dần bị cắt giảm".
Theo một số nguồn tin nội bộ, làn sóng hoang mang đang lan khắp công ty. Hầu hết sợ có thể bị mất việc hoặc bị giảm thưởng. Số khác nghĩ đến khả năng thăng tiến bị hạn chế, hạ lương hoặc các vấn đề về điều chuyển nhân sự.
Trên workplace và nhóm chat nội bộ, nhiều nhân viên bày tỏ sự bất mãn. Hàng loạt chủ đề không hài lòng về công ty "sinh sôi nảy nở" những tuần gần đây, chủ yếu liên quan đến định hướng tài chính và tương lai của công ty.
Meta từng là biểu tượng cho sự thịnh vượng của Thung lũng Silicon. Các năm trước, công ty cung cấp cho nhân viên của mình những đặc quyền hàng đầu như đồ ăn miễn phí, phúc lợi cùng mức lương cao trong ngành công nghệ.
"Thật đáng buồn sau nhiều năm ở Meta, mọi thứ đang đi theo con đường xuống địa ngục. Tôi sẽ chờ khoản thưởng tháng 9, sau đó rời đi", một người viết. "Có ai còn cảm thấy an toàn ở đây không?", một người khác đặt câu hỏi.
"Tinh thần, không chỉ ở Facebook, mà khắp các công ty công nghệ, đã đi xuống đáng kể trong thập kỷ qua", Dan Ives, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities, nhận xét. "Giờ đây, giữa các thách thức về hoạt động kinh doanh, một chương đen tối hơn đang chờ đợi. Các công ty công nghệ cần nhìn nhận và định hướng lại".