Mới đây, CTCP Chứng khoán VPS đã thông báo ngày 4/4 sẽ chốt danh sách để tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Thời gian dự kiến họp vào ngày 25/4. Hiện, tài liệu họp chưa được công bố.
CTCP Chứng khoán VPS có tiền thân là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) được thành lập vào năm 2006, do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nắm giữ đa số vốn. Tuy nhiên, tới tháng 12/2015, VPBank đã thoái 89% vốn tại VPBS. Mức giá chuyển nhượng và đối tác của thương vụ không được tiết lộ.
Sau khi VPBank thoái vốn, VPBS đã cải thiện đáng kể quy mô vốn điều lệ nhằm phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến cuối năm 2018, VPBS vốn điều lệ của công ty này đã được nâng lên mức 3.500 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn hàng đầu tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2018, VPBS đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPS (VPS) nhằm giúp khách hàng dễ dàng nhận diện, tiếp cận hơn và không bị trùng lắp các ký tự khi phát âm tên viết tắt.
Về kết quả kinh doanh, từ năm 2008-2015 VPS có 2 năm thua lỗ, còn lại lợi nhuận cao nhất là năm 2014 với mức lãi sau thuế gần 129 tỷ đồng.
Kể từ khi VPB thoái vốn, VPS có sự tăng trưởng vượt bậc. Ngay năm đầu tiên (năm 2016) VPS báo lãi sau thuế 107,7 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với năm 2015.
Sau 8 năm VPB thoái vốn, khép lại năm 2023, Chứng khoán VPS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 6.374 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 24,5% so với năm 2022. Trong đó, riêng doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đóng góp 2.785 tỷ đồng doanh thu trong cả năm 2023; giảm nhẹ so với 2022. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu 1.226 tỷ đồng. Hoạt động tự doanh của VPS trong năm 2023 giảm 46% so với năm 2022, về còn 1.988 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của VPS giảm 32,3%, về mức 4.564 tỷ đồng, trong đó, chi phí cho nghiệp vụ môi giới chứng khoán cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 2.258 tỷ đồng. Chi phí tài chính của VPS tăng 53,2%, lên mức 908,3 tỷ đồng.
Phần tự doanh không hiệu quả và chi phí tài chính lớn nên công ty chỉ còn lãi ròng 657 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm 2022.
Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của VPS ở mức 22.459 tỷ đồng, mở rộng 11% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm gần 70% từ 9.190 tỷ đồng về còn 2.783 tỷ đồng. Ngược lại, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt gần 5.600 tỷ đồng, tăng 49%; dư nợ cho vay margin tăng 89%, lên gần 11.148 tỷ đồng.
Phía nguồn vốn, VPS có số dư vay và nợ ở mức 12.831 tỷ đồng, tăng 18,4% so với đầu năm.