Tới đây, ngày 6/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp của tháng 6. Tài liệu này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư một số thông tin chi tiết về cách các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận đường đi của lãi suất trong tương lai khi thị trường vẫn tập trung vào viễn cảnh suy thoái.
Sau đó 1 ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 6 vào ngày 7/7, qua đó phần nào tiết lộ kế hoạch tăng lãi suất kể từ năm 2011 ngay trong tháng 7 này. Dự báo sẽ có một đợt tăng lãi suất lớn hơn vào tháng 9 khi lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ở mức cao kỷ lục là 8,6% trong tháng 6 vừa qua.
Chia sẻ trong chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chuyên gia cao cấp, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt cho rằng biên bản tháng 6 của Fed là biên bản được dựa trên cuộc họp trong quá khứ. Đó là việc Fed sẽ chấp nhận đánh đổi trong việc kiểm soát lạm phát và kìm hãm các yếu tố tăng trưởng.
Ông Hoàng cho rằng điều quan trọng hơn đối với nền kinh tế Mỹ cũng như các thị trường tài chính toàn cầu là câu chuyện của những chỉ báo của Mỹ sắp tới sẽ diễn ra như thế nào trong tháng 7. Ví dụ chỉ số CPI của Mỹ dự kiến công bố vào khoảng 13/7, sau đó sẽ đến cuộc họp của Fed trong tháng 7 rơi vào ngày 27 - 28/7 và sau đó cũng sẽ công bố lãi suất tiếp theo.
"Hành động của Fed trong thời gian tiếp theo sẽ chịu ảnh hưởng từ các chỉ báo của nền kinh tế Mỹ trong thời gian công bố của tháng 7 này. Đây là một trong những lý do vì sao thị trường đang chờ đợi. Thanh khoản chưa vào bởi vì thị trường cũng đang chờ đợi những thông tin quan trọng này. Chúng ta đều biết thị trường chứng khoán Mỹ cũng như nền kinh tế Mỹ đang ở mấp mé ngưỡng có thể bước vào suy thoái", chuyên gia cho hay.
Kịch bản nào cho TTCK Việt Nam nếu Mỹ rơi vào suy thoái?
Rất nhiều chuyên gia đã dự báo rằng bước sang năm 2023 gần như xác suất nền kinh tế Mỹ cũng như châu Âu bước vào suy thoái là rất cao. Khu vực EU cũng vậy khi tỷ suất lạm phát đang ở mức cao kỷ lục và câu chuyện chấp nhận tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gần là gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
Nền kinh tế của thế giới hiện nay đang rơi vào trạng thái rất phức tạp, giống những năm 70 của nền kinh tế mang tính chất "đình lạm", tức là vừa đình trệ sản xuất nhưng lạm phát lại tăng cao. Chính vì vậy theo yếu tố của thị trường Fed đã bắt đầu tăng lãi suất, người ta sẽ nhắc nhiều hơn đến câu chuyện về đình trệ sản xuất và thị trường bước vào suy thoái, thứ đang được lo ngại nhiều hơn.
Ngày cả trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giá cả của các nhóm hàng hóa đang bị ảnh hưởng, cổ phiếu hàng hóa đang bị ảnh hưởng. Giá cả hàng hóa đang có sự điều chỉnh và khi người ta nhìn vào con số của CPI trong tháng tới cũng như các chỉ số về tồn kho để xem rằng nền kinh tế Mỹ, lạm phát có thể giảm không.
Nếu trong trường hợp CPI có dấu hiệu dừng và tạo đỉnh được trong quý III, thị trường sẽ lại có những yếu tố tích cực và Fed có thể thay đổi quan điểm.
Bên cạnh đó, chuyên gia nhận định nếu như tình trạng suy thoái không mong muốn xảy ra thì đây sẽ là một yếu tố ngoại biên tác động làm cho dòng tiền vào thị trường rụt rè hơn và câu chuyện kịch bản đi ngang sẽ tiếp diễn chứ rất khó để có các đợt sóng tăng mạnh.
Còn trong trường hợp giảm, mức giảm sẽ không quá mạnh, đơn giản bởi vì mức chiết khấu của thị trường Việt Nam bây giờ đang ở một vùng định giá hấp dẫn. Nó được thể hiện thông qua kịch bản của nhóm chứng khoán và ngân hàng. Khi mà định giá xuống quá rẻ, dòng tiền sẽ ngay lập tức nhảy vào và kéo định giá lên. VN-Index cũng tương tự như vậy, nếu trong trường hợp giảm cũng sẽ giảm không sâu.
Nhưng nếu trong trường hợp các yếu tố vĩ mô và các yếu tố về nền kinh tế suy thoái sẽ tác động, đặc biệt khi nền kịnh tế lớn suy thoái sẽ tác động đến những nước đang có mức xuất khẩu mạnh như Việt Nam và tác động đến nền kinh tế của Việt Nam. Trong một triển vọng như vậy, chưa thể nào kỳ vọng có một con sóng tăng mạnh mẽ.
"Chúng ta vẫn sẽ phải chờ đợi những thông tin sắp tới của Fed và các nền kinh tế lớn. Thậm chí ta có thể thấy khi Fed tăng lãi suất sẽ dẫn đến đồng USD tăng rất mạnh và tạo áp lực lên yếu tố tỷ giá của Việt Nam. Hiện giờ tỷ giá Việt Nam đang biến động rất mạnh, vừa Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ra 10 tỷ USD để ổn định dần vấn đề tỷ giá.
Đó là những yếu tố chúng ta đang thấy có thể tác động đến Việt Nam. Nếu tỷ giá tiếp tục không kiểm soát được và tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam", ông Hoàng cho hay.