Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một phiên giao dịch đáng thất vọng khi hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh, trong đó có nhiều đại diện trong nhóm vốn hóa lớn. VN-Index kết phiên giảm gần 29,74 điểm (-2,69%) xuống mức 1.074,52 điểm, chính thức thủng đáy và đánh mất toàn bộ thành quả tăng điểm của phiên trước đó.
Vốn hóa của HoSE cũng theo đó mất thêm 118.000 tỷ đồng trong phiên hôm nay xuống còn 4,27 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 4 phiên giao dịch kể từ đầu tháng 10, vốn hóa của HoSE đã “bốc hơi” hơn 229.000 tỷ đồng (~9,8 tỷ USD). Nếu tính chung trên cả 3 sàn, con số này thậm chí còn lên đến gần 244.000 tỷ đồng (~10,4 tỷ USD).
Đáng chú ý, hơn một nửa con số “khổng lồ” trên đến từ sự “mất mát” của 10 cổ phiếu gồm HPG, MSN, VCB, BID, GVR, TCB, NVL, MWG, CTG, MBB. Trong đó, Hòa Phát (HPG) và Masan (MSN) là 2 doanh nghiệp có vốn hóa giảm mạnh nhất thị trường từ đầu tháng 10 lần lượt ở mức 18.600 tỷ đồng và 17.500 tỷ đồng. Phần lớn các cổ phiếu trên đều đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, cá biệt có HPG đang ở đáy 23 tháng kể từ giữa tháng 11/2020.
Top 10 cổ phiếu có vốn hóa giảm mạnh nhất từ đầu tháng 10
Phiên thủng đáy tiếp tục đưa mức định giá của thị trường đã thấp lại càng thấp hơn với P/E chỉ ở mức 11.0x (theo dữ liệu từ Algo Platform). Con số này chỉ còn cao hơn đôi chút so với mức thấp kỷ lục hồi xuống đáy Covid tháng 3/2020 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 5 năm (15.x lần) cũng như các nước trong khu vực.
Theo Dragon Capital, P/E của VN-Index ước tính sẽ về mức 12,1x sau khi phản ánh KQKD quý 3, so với mức đáy Covid tháng 3/2020 là 10,4x. Tăng trưởng có khả năng giảm tốc vào năm sau, tuy nhiên sẽ chỉ là chậm lại không phải tăng trưởng âm. Thị trường Việt Nam được đánh giá có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.
Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt được mức 2 chữ số trong quý 3 và 7,8% trong năm 2022. P/E forward 2022 là 10 lần với tăng trưởng EPS ở mức 17%. Thậm chí còn lạc quan hơn, Pyn Elite Fund dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt 25% trong năm 2022 đồng thời nhấn mạnh “Chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá đặc biệt rẻ trong tương quan với triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới”.
Đồng quan điểm, SGI Capital cho rằng, với mức định giá rất rẻ hiện tại, những đợt tụt giảm của VN-Index dưới mức 1.100 điểm, dù vì lý do gì, đều sẽ mang lại cơ hội rất hấp dẫn cho một chu kỳ đầu tư mới. Lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng lên mặt bằng 7-8%/năm, nhưng đà giảm của thị trường hiện nay đang mang lại nhiều hơn các cơ hội với mức sinh lời trên 20%/năm cho kỳ đầu tư 1-3 năm tới.
Theo SGI Capital, nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh từ đỉnh về gần vùng định giá rẻ lịch sử và rủi ro của thị trường đang giảm đi đáng kể khi nhiều tin xấu dần bộc lộ và phần nào được phản ánh vào giá. “Tháng 10 và quý 4 sẽ còn nhiều tin xấu khiến thị trường biến động mạnh, thử thách tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư nhưng đó cũng là lúc thị trường chào mời những cơ hội với giá tốt nhất”.