Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn quan trọng với mục tiêu lên thị trường mới nổi. Đặc biệt, quyết tâm của Chính Phủ thể hiện qua hàng loạt giải pháp gỡ các "nút thắt" quan trọng, hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng cũng được giới đầu tư kỳ vọng.
Tại Hội thảo "Chọn danh mục, đón sóng lớn" do Chứng khoán VPBankS tổ chức mới đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS nhìn nhận quyết tâm nâng hạng chứng khoán của Chính Phủ trong năm nay rất lớn. Do đó, Việt Nam sẽ đáp ứng sớm các điều kiện để FTSE nâng hạng trước trong thời gian tới.
Hiện tại, 2 rào cản lớn nhất cho quá trình nâng hạng là tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) và ký quỹ trước giao dịch (pre-funding). Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đang sửa đổi một số điều luật và triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, sẽ trao quyền quyết định tỷ lệ ký quỹ cho CTCK và một vài CTCK lớn có nhiều khách hàng là tổ chức nước ngoài được áp dụng đầu tiên, giải quyết câu chuyện về ký quỹ trước giao dịch. Về room ngoại, khả năng Việt Nam áp dụng biện pháp giống Thái Lan là sử dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Dự báo về lộ trình nâng hạng, chuyên gia VPBankS cho rằng trong tháng 3 vừa qua hệ thống KRX đã được test lại và sớm áp dụng trong năm nay, pre-funding kỳ vọng cũng sớm được giải quyết và việc công bố thông tin bằng tiếng Anh áp dụng ngay trong 2025.
Vị chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ đáp ứng điều kiện của FTSE trong kỳ đánh giá nâng hạng trong kỳ review tháng 3/2025, đến tháng 9/2025 chính thức được vào. Với MSCI, tháng 6/2024 bắt đầu thu thập phản hồi của NĐT về chính sách luật, đến tháng 6/2025 có thông tin về được nâng hạng hay không và áp dụng chính thức vào tháng 6/2026.
Về triển vọng hút vốn nếu được FTSE nâng hạng, VPBankS ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE EM vào khoảng 0,38%. Dựa trên giá trị tổng tài sản (ngày 08/03/2023) của một số quỹ ETF sử dụng các chỉ số FTSE EM & All – world làm tham chiếu, ước tính giá trị dòng vốn thụ động tối thiểu chảy vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 882 triệu USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực.
Đối với MSCI, VPBankS ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số này là 0,24%. Với tổng giá trị các quỹ đầu tư (chủ động + thụ động) tham chiếu chỉ số MSCI Emerging Markets ước đạt 426 tỷ USD (Bloomberg), Việt Nam có thể thu hút dòng vốn tối đa khoảng 1,02 tỷ USD.
"Với lộ trình đó, trong 3 năm tới thị trường sẽ có nhịp tăng tốt và các nhịp chỉnh là cơ hội mua. Với kịch bản cao nhất, VN-Index sẽ lên 1.650-1.750 điểm nếu được nâng hạng. Danh sách 9 cổ phiếu được hưởng lợi trong sóng nâng hạng gồm VCB, VNM, HPG, VIC, VNM, MSN, VRE, VJC, SSI", chuyên gia VPBankS cho biết.