Nghìn tỷ USD bay biến
Thị trường chứng khoán lao dốc đã lấy mất hơn 9.000 tỷ USD tài sản của các hộ gia đình Mỹ, gây áp lực lên tình hình tài chính và chi tiêu của người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá trị số cổ phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ quỹ tương hỗ mà người Mỹ nắm giữ đã giảm xuống còn 33.000 tỷ USD vào cuối quý II, từ mức 42.000 tỷ USD hồi đầu năm.
Kể từ đầu tháng 7, các chỉ số chứng khoán chính tiếp tục lao dốc và thị trường trái phiếu cũng bị bán tháo. Do đó, giới chuyên gia ước tính rằng tổng thiệt hại từ thị trường tài chính tới của cải hộ gia đình Mỹ có thể lên tới 9.500 hoặc 10.000 tỷ USD, tờ CNBC cho biết.
Các nhà kinh tế nói rằng mất mát của thị trường có thể sẽ sớm lan tỏa trong nền kinh tế, qua đó gia tăng áp lực lên vấn đề tài chính của người dân, có nguy cơ làm gây hại cho hoạt động chi tiêu, vay nợ và đầu tư.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, đánh giá những tổn thất này có thể khiến tăng trưởng GDP thực của Mỹ giảm gần 0,2 điểm % trong năm tới.
Ông cảnh báo: “Nếu cứ tiếp diễn, thiệt hại từ thị trường chứng khoán sẽ trở thành lực cản nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn tới chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới”.
Trèo cao thì ngã đau
Giới nhà giàu là nhóm chịu tổn thất nặng nề nhất, vì số chứng khoán mà họ sở hữu áp đảo những người khác. Fed cho biết top 10% những người giàu nhất nước Mỹ đã mất hơn 8.000 tỷ USD vì thị trường chứng khoán trong năm nay, tương ứng với mức giảm 22%. Top 1% thiệt hại hơn 5.000 tỷ USD. 50% người có thu nhập thấp nhất mất khoảng 70 tỷ USD.
Những mất mát trên đánh dấu bước ngoặt đột ngột và khổng lồ với những nhà đầu tư từng chứng kiến tài sản tăng vọt nhờ cổ phiếu thăng hoa trong đại dịch. Tính từ lúc thị trường xuống đáy năm 2020 tới khi lập đỉnh vào cuối năm 2021, tài sản chứng khoán của người Mỹ đã tăng gần hai lần, từ 22.000 đến 42.000 tỷ USD.
Phần lợi ích lớn nhất tập trung vào tay những người giàu, vì top 10% những người giàu nhất nước Mỹ sở hữu tới 89% lượng cổ phiếu do cá nhân nắm giữ, theo số liệu của Fed.
Giá bất động sản gia tăng cũng không đủ để bù đắp cho mức giảm của thị trường. Giá trị tài sản nhà ở tại Mỹ tăng 3.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022 lên 41.000 tỷ USD. Mức tăng này chỉ bằng khoảng 1/3 mất mát trên thị trường chứng khoán. Và trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp đi lên, giá nhà tại nhiều khu vực đã bắt đầu đi xuống hoặc hạ nhiệt.
Mức giảm của tài sản các hộ gia đình Mỹ lần này vượt xa thiệt hại hàng quý 6.000 tỷ USD trong giai đoạn đầu của đại dịch năm 2020. Tuy chứng khoán Mỹ đã chứng kiến những mức giảm lớn hơn theo tỷ lệ %, tổn thất tính theo giá trị tuyệt đối trong năm nay lại vào hàng lớn nhất từ trước đến nay.
Câu hỏi quan trọng là thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc đến mức nào thì sẽ tác động đến chi tiêu tiêu dùng. Hiện tại, gần như không có dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu. Nhưng một số người cho rằng “hiệu ứng của cải âm” – lý thuyết nói rằng sự suy giảm của của cải sẽ dẫn tới sự sụt giảm của chi tiêu – có thể sẽ sớm xuất hiện, đặc biệt là nếu làn sóng bán tháo tiếp diễn.
Nhà kinh tế Zandi cho rằng tổn thất từ chứng khoán có thể khiến chi tiêu tiêu dùng Mỹ giảm 54 tỷ USD trong năm sau.
Nhưng ông cũng nhận định “hiệu ứng của cải-chứng khoán” hiện nay nhỏ hơn trong quá khứ, vì người giàu sở hữu tỷ trọng chứng khoán rất lớn và họ đã “tích lũy được khoản tiết kiệm dư thừa đáng kể trong đại dịch”.
Ông nói thêm: “Vì những nhà đầu tư lớn nhất này có khoản tiết kiệm cực lớn nên họ có thể không cần phải tiết kiệm nhiều hơn dù của cải trên thị trường sụt giảm”.