Đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trở nên trầm trọng hơn vào tuần trước và ngày 5/5 đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ giai đoạn đầu đại dịch. Cú lao dốc diễn ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dường như đã mở đường cho một cuộc phục hồi với tuyên bố là các nhà hoạch định chính sách đang “không tích cực xem xét” việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Mức giảm trong phiên 5/5 và tình trạng biến động gần đây đang làm dấy lên nghi vấn về những vấn đề rộng hơn trên thị trường chứng khoán Mỹ, ví dụ như liệu nhà đầu tư đã từ bỏ các giao dịch dùng đòn bẩy cao hay chưa.
Song, nhiều nhà đầu tư và phân tích nói rằng diễn biến trên phù hợp với cuộc thoái lui của thị trường trong năm nay, do kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tăng. Các nhà quản lý danh mục nói rằng lãi suất cao thường sẽ có lợi cho cổ phiếu trả cổ tức và gia tăng áp lực lên các cổ phiếu đầu cơ từng sinh lời và được ưa chuộng trong thời lãi suất gần bằng 0.
Đối với chứng khoán, xu hướng trên đã gây tổn hại đến những cổ phiếu từng tăng vũ bão trong đại dịch và có định giá cao. Netflix, một trong những cổ phiếu công nghệ nóng nhất trong những năm gần đây, đã mất 70% giá trị so với đầu năm. Amazon giảm 31%, thua kém cả các chỉ số chính.
Dưới đây, tờ Wall Street Journal (WSJ) đã xem xét một số dấu hiệu cho thấy sự bất ổn trên thị trường khi việc bắt đáy không còn mang lại lợi ích tức thì, dễ đoán.
Rạn nứt trên thị trường
Đà bán tháo trên thị trường mới đây rất khủng khiếp. Hiếm có cổ phiếu nào thoát nạn. Theo FactSet, chỉ 35% cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 được giao dịch trên đường MA 200 vào ngày 5/5. Con số này thấp hơn hẳn mức 74% hồi tháng 1. Còn trong chỉ số Nasdaq Composite, chỉ 20% cổ phiếu được giao dịch trên đường MA 200 vào ngày hôm đó, giảm mạnh từ mức 38% trong tháng 1.
Ông Willie Delwiche, chuyên gia đầu tư tại nền tảng tư vấn All Star Charts, nhận xét: “Có rất nhiều điểm yếu đang lộ ra bên trong thị trường”.
Sự hỗn loạn đã kéo định giá của thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống. Nhưng dẫu vậy, chỉ số S&P 500 vẫn có vẻ đắt đỏ khi so với tương quan định giá trong thập kỷ qua. Theo FactSet, giá trên thu nhập dự phóng 12 tháng tới của chỉ số S&P 500 vào tuần trước là gấp 17,7 lần, cao hơn trung bình 10 năm là 17,1 lần. Trong bối cảnh Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều nhà đầu tư nói rằng chứng khoán Mỹ vẫn còn đắt.
Cơn sốt quyền chọn hạ nhiệt
Khi thị trường chứng khoán cắm đầu, nhà đầu tư cũng bớt hứng thú với các ván cược rủi ro trên thị trường quyền chọn. Xuyên suốt hai năm qua, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đổ xô vào thị trường quyền chọn để đặt những ván cược siêu tích cực vào chứng khoán.
Đặt cược bằng quyền chọn cũng gắn liền với cơn sốt xoay quanh cổ phiếu meme, trong bối cảnh GameStop và AMC thăng hoa.
Giờ, hoạt động đầu cơ có vẻ đang suy giảm. Gần đây khối lượng quyền chọn mua ròng trong các cổ phiếu đơn lẻ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, theo Deutsche Bank.
Giá quyền chọn đặt cược chứng khoán tăng điểm cũng bắt đầu đi xuống khi so với quyền chọn cược cổ phiếu giảm điểm, theo Credit Suisse. Đây là một sự đảo ngược so với vài năm qua, khi nhu cầu dành cho các quyền chọn lạc quan về cổ phiếu tăng mạnh mẽ.
Tiền mã hóa trượt dốc
Các thị trường rủi ro khác cũng chịu thiệt hại. Giá bitcoin đạt đỉnh vào tháng 3 và từ đó chủ yếu đi xuống và giao động quanh ngưỡng 36.000 USD.
Sự mất giá của tiền mã hóa gây tác động nặng nề lên nhà đầu tư nhỏ lẻ, và rất có thể nhiều nhà đầu tư tổ chức cũng thấy đau. Các quỹ đầu cơ cùng một vài tổ chức khác đã tăng cường hiện diện trên thị trường tiền mã hóa trong những năm gần đây,
Bi quan hơn
Nhiều khảo sát cho thấy nhà đầu tư nhỏ lẻ đang ngày càng bi quan về thị trường chứng khoán. Theo khảo sát của American Association of Individual Investors (AAII), tính đến cuối tháng 4, tỷ lệ nhà đầu tư tin thị trường chứng khoán sẽ đi xuống trong 6 tháng tới đang ở mức cao nhất kể từ ngày 5/3/2009.
Sự bi quan lan rộng không hẳn là tin xấu. Một số nhà phân tích coi khảo sát AAII là chỉ báo ngược xu hướng. Theo họ thì khi tâm lý xấu đến tột cùng thì thị trường sẽ phục hồi.
Ông Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại ngân hàng đầu tư Baird là một trong những người như vậy. Ông cho biết: “Dữ liệu tâm lý có ích khi nó chỉ ra rằng nếu thị trường chưa tạo đáy, thì cũng dò gần tới đáy rồi. Vậy nên nếu bạn đầu tư có chiến thuật thì lúc thị trường bi quan cùng cực là thời điểm tốt để xuống tiền”.
Một trong những lý do khiến nhà đầu tư lo ngại khi nhìn vào thị trường những ngày gần đây chính là lạm phát. Sau khi tính cả mức tăng của giá cả hàng hóa, tỷ suất lợi nhuận thực của chỉ số S&P 500 đã giảm đáng kể. Điều này khiến nhà đầu tư khó lòng lựa chọn cổ phiếu khi so với những công cụ đầu tư khác, theo ý của Morgan Stanley Wealth Management.
Dự đoán hỗn loạn vẫn còn tiếp diễn, một số nhà đầu tư đang hướng tới các quỹ đảo ngược (inverse fund). Những quỹ này cung cấp cơ hội đặt cược vào sự suy giảm của các cổ phiếu hay chỉ số.
Ông Jason Goepfert, nhà sáng lập Sundial Capital Research, cho biết theo một thước đo, hoạt động trong các quỹ này vừa đạt đến mức cao nhất trong một thập kỷ. Ông nhận định: “Nhà đầu tư nhỏ lẻ đang đặt cược chống lại cổ phiếu. Họ đang phòng vệ danh mục”.