Theo báo cáo Triển vọng Thị trường chứng khoán Việt Nam quý 2/2022 của KBSV, các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công và đà hồi phục của nền kinh tế sẽ được ưu tiên lựa chọn. Ngành ngân hàng vẫn được duy trì quan điểm tích cực.
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao và nợ xấu được hoàn nhập là 2 yếu tố chính quyết định đánh giá tích cực đối với nhóm ngành ngân hàng trong năm nay. Bên cạnh đó, tăng vốn cũng sẽ là yếu tố tác động tích cực đến lợi nhuận các nhà băng trong năm nay.
Về tăng trưởng tín dụng, con số này trong năm 2021 là 13,53% và trong năm nay được hứa hẹn sẽ có một mức tăng trưởng cao hơn nữa để có thể thúc đẩy hồi phục kinh tế sau dịch. Xét trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã đạt 2,52%, cao hơn hẳn so với mức 0,66%. Các chuyên gia cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 lên 14-15%.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng mạnh sẽ khiến các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động để giải quyết vấn đề thanh khoản. Áp lực lên NIM cũng sẽ gia tăng trong năm 2022 khi giá cả hàng hóa gia tăng do ảnh hưởng của chiến tranh gây áp lực lên lạm phát.
Đối với nợ xấu, nhờ vào việc mạnh dạn trích lập và xử lý, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 quý 4/2021 của các ngân hàng theo dõi đã giảm lần lượt 29 và 26 điểm phần trăm so với quý 3/2021.
Cũng trong Quý 4/2021, tổng nợ tái cơ cấu đã ghi nhận giảm 2.400 tỷ so với quý 3/2021. Nhiều ngân hàng cũng đã đẩy mạnh trích lập hầu hết cho phần nợ tái cơ cấu thay vì trải ra 3 năm khiến cho áp lực trích lập trong năm 2022 giảm đáng kể.
Đồng thời, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt với bộ đệm dự phòng vững chắc như Vietcombank, BIDV, Techcombank, MB là các cơ hội đầu tư thích hợp.