Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố thông tin dữ liệu tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi, theo đó đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt 13,7 triệu tỷ, tăng 2,59% so cuối năm 2021; tiền gửi tổ chức kinh tế 5,57 triệu tỷ, giảm 1,21% trong khi tiền gửi dân cư đạt 5,4 triệu tỷ, tăng 1,95% cùng kỳ.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán BSC cho rằng, tiền gửi dân tăng khá so với mức bình quân 1,69% tháng 1 từ 2013 đến nay cho thấy dòng tiền nhàn rỗi người dân đã quay lại hệ thống. Trước đó năm 2021 tiền gửi dân cư liên tục ở mức thấp kỷ lục do lãi suất tiền gửi thấp trong khi các kênh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản thu hút tiền nhàn rỗi lớn. Xu hướng này đang có sự thay đổi khi lãi suất tăng ở một số ngân hàng và các kênh đầu tư không còn sôi động như trước.
Các chuyên gia của BSC cũng cho rằng, lãi suất của Việt Nam cũng có thể tăng lên trong thời gian tới khi chịu tác động từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) của các NHTW lớn trên thế giới.
"Với xu hướng lạm phát đang gia tăng, dự báo các nền kinh tế sẽ đẩy mạnh thắt chặt CSTT bắt đầu từ quý 2/2022. Việt Nam dự kiến vẫn sẽ duy trì CSTT nới lỏng trong quý 2 và quý 3/2022 và bắt đầu nâng lãi suất kể từ quý 4 theo xu hướng thắt chặt CSTT của thế giới", báo cáo viết.
Lạm phát của nhiều nước đang tăng cao. Trong đó, lạm phát tháng 2 của Anh mới công bố tăng 6,2% cùng kỳ, cao nhất trong 30 năm khi giá thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng tăng mạnh. Trước đó CPI Hoa Kỳ trong 12 tháng tính đến tháng 2 cũng tăng 7,9% đặt ra nhiệm vụ khó khăn cho FED tăng lãi suất mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Theo dự báo của các tổ chức, các quốc gia như Anh, Nga đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ kể từ Qúy 1/2022 và sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến Quý 1/2023.
Tại ba nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ, Châu Âu và trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu vẫn thực hiện CSTT thắt chặt kể từ cuối năm 2021 đến nay để đối phó với lạm phát; còn tại Trung Quốc, NHTW nước này đang thực hiện CSTT nới lỏng do lạm phát hiện tại ở mức thấp và quốc gia này nới lỏng CSTT nhằm mục đích khôi phục nền kinh tế đang tăng trưởng chậm do chính sách "Zero Covid".
Đối với các quốc gia ở ASEAN 6, ngoại trừ Singapore đang thực hiện CSTT thắt chặt, khối ASEAN 5 còn lại được cho vẫn duy trì CSTT hiện tại tuy nhiên các NHTW sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành kể từ Qúy 3/2022 trước áp lực gia tăng chi phí đầu vào như hiện tại – đặc biệt là chi phí nhiên liệu, thực phẩm do cuộc khủng hoảng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.