APG:
Ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán APG (mã: APG, sàn HoSE) vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu APG với mục đích đầu tư cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/05-01/06/2024.
Nếu giao dịch thành công, ông Hưng sẽ nâng sở hữu tại APG từ 10,78 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,82%) lên 11,78 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,27%, trên tổng số lượng cổ phiếu sau khi kết thúc chào bán riêng lẻ) và trở thành cổ đông lớn của Công ty.
Ông Nguyễn Hồ Hưng (sinh năm 1970) đảm nhiệm chức Chủ tịch Chứng khoán APG từ năm 2013 đến nay. Bên cạnh đó, ông Hưng còn từng là Thành viên HĐQT độc lập tại CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã: PLP), Chủ tịch HĐTV tại Công ty TNHH Khai thác & Chế biến Khoáng sản Barit Cao Bằng.
Tháng 10/2021, Ông Nguyễn Hồ Hưng gây chú ý khi rút khỏi HĐQT CTCP Louis Capital (sau đổi tên thành CTCP The Golden Group, mã: TGG) chỉ sau 1 tháng gia nhập.
Động thái muốn tăng sở hữu của vị Chủ tịch diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu APG đang ở vùng đỉnh 2 năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/5, cổ phiếu APG dừng ở mức 15.200 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 3 lần so với mức đáy 4.000 đồng/cổ phiếu phiên 1/10/2022.
Mới đây, Chứng khoán APG đã thông báo kết quả chào bán 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 11.000 đồng/cổ phiếu, thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (ngày 6/5).
Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 770 tỷ đồng, APG dự kiến chi 500 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh chứng khoán; 170 tỷ đồng cho đầu tư kinh doanh các loại giấy tờ có giá ngắn hạn trên thị trường và 100 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư dài hạn khác.
Sau đợt chào bán, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành APG nâng lên trên 223,6 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ đạt 2.236 tỷ đồng.
Theo danh sách 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua cổ phiếu gồm 9 cá nhân và 1 tổ chức là Quỹ đầu tư FPT Capital. Sau đợt chào bán, các cổ đông này sở hữu 31,33% vốn của APG. Trước đó, các nhà đầu tư trên đều chưa nắm giữ cổ phiếu APG nào.
Về kết quả kinh doanh quý I/2024, APG ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 30 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 6 tỷ đồng, lần lượt giảm 40% và 86% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính do hoạt động tự doanh kém hơn cùng kỳ, lỗ bán các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng trong khi chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL giảm.
Tại thời điểm 31/03/2024, danh mục FVTPL (toàn bộ là cổ phiếu) có giá trị gốc khoảng 407.7 tỷ đồng, tạm lãi trên 300 triệu đồng, kém xa mức lãi gần 35 tỷ đồng hồi đầu năm.