Để thực hiện nhiệm vụ này, Cục CSGT cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các đơn vị thuộc Bộ về nghiệp vụ đấu giá tài sản và công tác giám sát đấu giá.
Theo đúng thời hạn thi hành của Nghị quyết, từ ngày 1/7, Cục CSGT sẽ đưa danh sách biển số trong dãy số chuẩn bị cấp của 63 địa phương công khai trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục CSGT và trang thông tin điện tử trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá. Sau khi thực hiện các thủ tục đăng ký, nộp tiền đặt trước… theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, phiên đấu giá đầu tiên sẽ chính thức diễn ra.
Cán bộ CSGT đăng ký phương tiện cho người dân.
Trong đợt đầu tiên, Cục CSGT sẽ rà soát biển số xe của các tỉnh, thành phố để tính toán số lượng biển số đưa ra đấu giá (100% biển số chưa đăng ký sẽ được tính toán đưa ra để người dân đăng ký tham gia đấu giá, mỗi phiên đấu giá sẽ đưa ra một số lượng biển số nhất định tuỳ thuộc vào số lượng đăng ký xe của từng địa phương).
Theo đó, xác định rõ ở mỗi địa phương, thời điểm bắt đầu đấu giá sẽ ở dải biển số bao nhiêu, toàn bộ dải biển số đó sẽ được đưa lên trang đấu giá. Các biển không được lựa chọn đấu giá sau đó sẽ được trả về để bấm ngẫu nhiên.
Việc đấu giá sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng. Trong mỗi phiên đấu giá có nhiều cuộc đấu giá khác nhau cho mỗi biển số. Theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công an sẽ lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá biển số.
Tổ chức này phải đảm bảo có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, phải đủ điều kiện an toàn, an ninh mạng khi kết nối với Hệ thống đăng ký, quản lý xe và Hệ thống quản lý đấu giá của Bộ Công an.
Lực lượng của Cục CSGT sẽ chỉ phân công cán bộ theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình đấu giá, kết quả đấu giá cùng các yếu tố khác có liên quan. Người dân sẽ được đăng ký tham gia đấu giá biển số của tất cả tỉnh, thành trên cả nước, không bị giới hạn bởi quy định “địa chỉ thường trú” tại địa phương.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, vào ngày 1/7 tới đây, khi đã lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản, người dân sẽ truy cập, đăng ký tài khoản vào Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến và sẽ được hướng dẫn cụ thể, chi tiết các bước tham gia đấu giá.
Sau đó, người tham gia đấu giá cần nộp tiền hồ sơ và tiền đặt trước. Số tiền này sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản của tổ chức đấu giá. Số tiền đặt trước sẽ bằng giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng. Mỗi lần bước giá sẽ là 5 triệu đồng. Ngay sau khi kết thúc phiên đấu giá trực tuyến, kết quả cuộc đấu giá sẽ được hiển thị và có biên bản xác nhận gửi vào hòm thư người trúng đấu giá.
“Người chưa có xe vẫn được tham gia đấu giá biển số. Tuy nhiên trong thời hạn 12 tháng, người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký ôtô để gắn biển số. Trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hạn này được kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 6 tháng” – Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.
Ngoài việc sử dụng, gắn với phương tiện như quy định về đăng ký xe, người trúng đấu giá sẽ được giữ lại biển số xe để gắn cho xe khác trong trường hợp không sử dụng xe đó nữa (có thể là chuyển nhượng ôtô hoặc xe đó bị hư hỏng không thể sử dụng được).
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, việc mua bán, trao đổi, cho tặng biển số xe ôtô trúng đấu giá là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, có thể chuyển nhượng xe ôtô gắn kèm theo biển số trúng đấu giá. Theo quy định, sẽ không giới hạn số biển người dân được đấu giá và sở hữu.