Theo các chuyên gia, giá vàng chưa có xu hướng phục hồi trong ngắn hạn, có thể giảm xuống mức thấp 1.600 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần (10/10), các doanh nghiệp trong nước duy trì niêm yết giá vàng quanh ngưỡng 66,5 triệu đồng/lượng.
Sang sáng 11/10, cùng đà giảm với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt giảm. Đến sáng 12/10, giá vàng trong nước đi ngang, trong khi giá vàng thế giới đi lên do đồng USD yếu.
Tiếp đó, sáng 13/10, các doanh nghiệp có xu hướng điều chỉnh tăng giá vàng trong nước, trước thông tin giá vàng thế giới tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 9. Ngay say đó, giá vàng thế giới giảm sau số liệu lạm phát của Mỹ, giá vàng trong nước sáng 14/10 cũng có xu hướng giảm.
Chốt phiên cuối tuần 15/10, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,9 – 66,92 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên 14/10.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 65,9 – 66,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 900 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên 14/10.
Với mức giá này, giá vàng trong nước tiếp tục tăng trong tuần qua, với mức tăng 400 nghìn đồng/lượng, tương đương 0,6% giá trị. Trong khi đó, giá vàng thế giới ghi nhận mức giảm 2,9% cho cả tuần, dù trước đó phục hồi trong vài phiên giao dịch.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hoá tại TD Securities, nhận định: "Giá vàng ngày càng tương quan với diễn biến của đồng USD và có thể giảm xuống mức thấp 1.600 USD/ounce".
Vàng rất nhạy cảm với việc nâng lãi suất Mỹ, điều này thúc đẩy lợi suất trái phiếu, làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại vốn không sinh lời. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng mạnh lên trong phiên cuối tuần, gây thêm áp lực giảm cho giá vàng.